banner chinh

Giám đốc Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao, chủ thương hiệu Hanhsilk Lương Thanh Hạnh - Hành trình làm sống lại tơ lụa truyền thống Việt


Trân quý và đam mê những giá trị văn hóa truyền thống, chị Lương Thanh Hạnh đã quyết định đồng hành khôi phục lại nghề dệt tơ lụa truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử với thương hiệu dệt đũi Nam Cao. Người ta thường gọi chị với cái tên trìu mến Hạnh Silk, bởi nhắc đến chị là nhắc đến một người phụ nữ “hết lòng” với tơ lụa.

 

 

Quyết định khởi nghiệp của chị Lương Thanh Hạnh là cả một quyết định vô cùng táo bạo, bởi nơi mà chị khởi nghiệp không phải là một làng nghề dệt đang phát triển mà đó là một làng nghề gần như “chết”, nguy cơ xóa sổ, xuất phát điểm từ con số 0 tròn trĩnh. Sau nhiều năm lăn lộn, chị đã đưa lụa Việt lên một tầm cao mới, tinh hoa hơn và vực dậy Nam Cao trở thành làng nghề dệt phát triển bậc nhất miền Bắc hiện nay.

 

 

Nói đến hành trình săn lùng làng nghề đũi có phần liều lĩnh để nuôi nấng khát vọng của mình, Hạnh Silk nhớ lại khi đó chị đang có một công việc ổn định và thu nhập cao trong lĩnh vực nội thất với thương hiệu Rèm Ánh trăng, nhưng chị đã tạm gác lại và rong ruổi khắp mọi miền đất nước với tình yêu tơ lụa.

 

 

Khó khăn này chưa qua, khó khăn khác lại ập tới, mặc dù tìm đến được với làng nghề dệt đũi, khi nói ra khao khát khôi phục và bày tỏ niềm tin của mình, chị lại một lần nữa nhận được một “cú tát” từ chính những người dân quanh năm gắn mình với đũi. Họ cho rằng đó là khát khao viển vông và chẳng bao giờ với tới được. Ấy vậy, nói ít, làm nhiều, chị Hạnh Silk đã từng bước chứng minh cho bà con nơi đây con đường mà chị đang hướng tới là đúng và hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

 

Ngay từ đầu Hanhsilk định vị thương hiệu của mình bằng các sản phẩm từ gốc, tức là từ kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, dệt đũi đến sản xuất, thiết kế để xuất đi đều được quản lý chặt chẽ. Hiện tại, Hanhsilk đã có hai vùng nuôi tằm với tổng diện tích khoảng 100 ha, đáp ứng cho việc sản xuất với các sản phẩm đa dạng như vải lụa đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm…

 

 

Chị Hạnh giải thích, sản phẩm lụa tơ tằm mang thương hiệu Hanhsilk không phải sản xuất dây chuyền hàng loạt, mà là hàng được làm thủ công, đòi hỏi sự công phu cần mẫn của người nghệ nhân. Mỗi một sản phẩm là một quá trình sản xuất thủ công kết hợp với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt Nam Cao, cùng những họa tiết vẽ tay riêng biệt độc bản, do đó giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm là rất lớn. Hanhsilk vì thế cũng khó tìm chỗ đứng trong thị trường nội địa với mức giá thành sản phẩm khá “chát” mà phải tìm cách vươn ra biển lớn. Đó chính là lý do thôi thúc chị Lương Thanh Hạnh thường xuyên “mang chuông đi đánh xứ người” tại các hội chợ quốc tế ở nước ngoài.

 

 

Mặc dù thị trường tơ lụa Việt Nam bị chao đảo bởi hàng giả, hàng nhái. Sản phẩm tơ lụa truyền thống phải vượt qua không ít thử thách để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, trong đó có Hanhsilk. “Ăn thật, làm thật” là phương châm kinh doanh của Hanhsilk, để mọi người có thể kiểm chứng từ những gì mà Hanhsilk làm.

 

 

Mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến nhiều người hơn nữa, chị Hạnh Silk đã quyết định trở thành một thành viên trong ngôi nhà chung WLIN. Góp mặt vào cộng đồng nữ lãnh đạo tài năng, xinh đẹp, chị Hạnh hy vọng có những cơ hội cùng lan tỏa, chia sẻ các giá trị tốt đẹp, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng.

Chúc cho đam mê và dự định của chị Hạnh Silk sẽ sớm thành hiện thực, chúc cho hành trình lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của chị sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự chung tay của tất cả mọi người.

Theo WLIN.vn

BÌNH LUẬN