banner chinh

Mạng lưới WLIN đồng hành cùng vở kịch “Yêu là thoát tội” để gây quỹ ủng hộ đồng bào Miền Trung


Vào tối ngày 17/12 vừa qua, Á hậu Quý bà Thế giới Nguyễn Thu Hương các thành viên của Mạng lưới WLIN đã có mặt tại Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ để ủng hộ cho vở diễn “Yêu là thoát tội”.


Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ trong thời đại 4.0, nhiều thú vui, gameshow xuất hiện lập tức thu hút sự chú ý của giới trẻ. Cũng giống như Chèo, Tuồng hay Cải lương, Kịch nói cứ như bị văng ra khỏi bánh xe của thời cuộc, để nhường chỗ cho những bộ môn nghệ thuật đương đại luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng với giới trẻ.

 

Nhiều khán giả đến ủng hộ Yêu là thoát tội

Đã từng có một thời, sân khấu cũng xuất hiện nhiều vở kịch tạo nên một cơn sốt không khác gì so với những bộ phim “bom tấn” của rạp chiếu phim. Thể loại kịch cũng rất phong phú từ đề tài lịch sử, tâm lý xã hội đến kinh dị, ma quái… Tất cả từng tạo nên một bầu không khí kịch nghệ vô cùng sôi nổi.

Khi những di sản văn hoá nghệ thuật truyền thống dần bị mai một và lãng quên trong guồng quay đương đại, may mắn thay, vẫn có những nghệ sĩ bằng cả cái tâm đã nối dài đam mê, giữ cho sợi dây truyền thống được kết nối liền mạch tới nhiều thế hệ và đưa văn hóa Việt tới cả những bạn bè quốc tế.

 

Á hậu Thu Hương (Áo xanh) cùng các Nữ lãnh đạo WLIN

 

 

Tối ngày 17/12 vừa qua, Á hậu Thu Hương cùng các thành viên của Mạng lưới Nữ lãnh đạo Quốc tế đã có mặt tại sân khấu Thế Giới Trẻ để ủng hộ cho vở diễn mang tên “Yêu là thoát tội” như một lời kêu gọi mọi người hãy cùng nhau gìn giữ những giá trị tinh thần và truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua bộ môn kịch nói.

Vở diễn lần này có sự đồng hành, tài trợ của Mạng lưới WLIN & Nam Hương Corp. Một phần kinh phí từ việc bán vé sẽ được Quỹ từ thiện của WLIN Việt Nam dùng để ủng hộ Miền Trung tái xây dựng trường học sau thời gian bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

 

 

 

“Yêu là thoát tội” – Vở diễn nói lên bi kịch cuộc đời danh nhân văn hóa, danh thần Nguyễn Trãi thời Lê ở khía cạnh “đời” nhất khắc họa sự cô độc trong cuộc chiến chính tà và cái giá phải trả trong thời thế nhiễu nhương, nỗi cô đơn của mỗi phận người, sự mong manh của tình cảm con người trong lằn ranh đạo đức.

Kịch chọn bối cảnh nước Việt khi binh biến đã qua, những tưởng đó là lúc “tề gia trị quốc bình thiên hạ” nhưng lúc này, nội triều nhà Lê xảy ra lục đục, quan thần tranh quyền đoạt lợi, thu vén cho mình. Hoàng thượng (diễn viên Lê Hoàng Giang) ôm giấc mộng phục hưng xã tắc nhưng đơn độc bởi xung quanh ông vắng những trung thần, thay vào đó là những kẻ bất tài, gian thần chuyên vơ vét và bòn rút. Đến cả hoàng hậu, tưởng là người gần gũi nhất, ông cũng không thể chia sẻ được gì.

 

Vở kịch được tác giả Lê Chí Trung cảm tác từ tình yêu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ

Nguyễn Thái úy (NS Xuân Hồng), một con người chính trực mang tâm hồn thanh tao, một kẻ sĩ tài hoa luôn đau đáu với vận nước nhưng lại không được trọng dụng. Ông như cây tùng vững chãi trên đỉnh núi, hiên ngang, bất khuất nhưng vẫn chỉ có một mình. Không ai hiểu ông, cũng không ai giúp khi ông cần. Chỉ có người vợ là thấu hiểu cho nỗi lòng ông. Bà giống điểm tựa, cũng là nguồn sống cho Thái úy ở tuổi xế chiều. Nhưng một ngày, người vợ bị nhà vua đoạt lấy, một lần nữa ông phải chịu nỗi cô đơn.

 

Ba diễn viên chính đã hóa thân vào các vai diễn một cách trọn vẹn, lột tả được tâm trạng cô đơn mà các nhân vật đang đối diện

Thị Lan (NSND Hoàng Yến) là một người đàn bà tài sắc vẹn toàn. Cái tài của bà một phần được hun đúc từ người chồng, cũng chính là quan Thái úy. Và bi kịch của bà cũng từ đó mà ra. Trở về triều, với tài năng của mình, Thị Lan được Nhà vua phong làm Học sĩ, chăm lo việc học cho hoàng tử. Thị Lan như bông hoa đương độ khoe sắc, cộng thêm vốn hiểu biết sâu rộng, bà nhanh chóng trở thành tri âm của hoàng thượng. Cũng chính lúc đó, Thị Lan phải rơi vào tâm trạng giằng xé giữa một bên là người đã đầu ấp tay gối với một bên là tuổi trẻ, là tình yêu mới chớm, đầy rạo rực và mê đắm. Không thể tỏ bày, không thể thanh minh, bà ôm nỗi cô đơn vào lòng.

 

 

Dẫu biết bi kịch của Nguyễn Trãi đã được nhiều người khai thác và mang lên sân khấu. Nhưng lần này, tác giả Lê Chí Trung đã viết “Yêu là thoát tội” (Đạo diễn: Xuân Hồng) bằng một góc nhìn mới, được Nhà hát Thế Giới Trẻ dàn dựng bằng thủ pháp thật giản dị mà hiện đại, với dàn diễn viên gạo cội, đẹp trong diễn xuất chuẩn mực, đẹp trong nhả chữ và nhấn nhá từng câu từng từ. Đây là một trong những vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu kịch Toàn quốc vào năm 2018.

 

Điểm sáng ở vở kịch không nằm ở ba nhân vật chính, mà từ một nhân vật phụ – hoạn quan Lê Đa (nghệ sĩ Phạm Huy Thục thủ vai). Từ vai này, nghệ sĩ Phạm Huy Thục nhận được huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu Kịch nói 2018

Yêu là thoát tội với cảnh trí sân khấu ẩn dụ, sân khấu xoay của Nhà hát Thế Giới Trẻ tạo nên những dàn cảnh, di chuyển của các tuyến nhân vật rất đẹp, đẩy khán giả lên tận cùng cảm xúc.

Bên cạnh dàn diễn viên gạo cội như NSND Hoàng Yến; NSƯT Trần Tường; NS Phạm Huy Thục; NS Lê Hoàng Giang; NS Chu Anh; NS Quốc Việt; NS Xuân Hồng, còn phải kể đến sự góp mặt của NS – Thạc sĩ mĩ thuật – Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng – Nhà sáng lập Bảo tàng Áo Dài. Anh cũng chính là Chủ tịch của CLB BSIN Life Style trực thuộc Mạng lưới Nam Phong Cách Doanh Nhân Quốc tế – BSIN.

 

Nghệ sĩ Sĩ Hoàng (trái) & NSƯT Trần Tường. Nghệ sĩ  Sĩ Hoàng đã dành nhiều tâm huyết cho trang phục của nhân vật

Không chỉ góp mặt vào vở diễn, Nhà thiết kế Sĩ Hoàng còn đảm nhận vai trò thiết kế phục trang cho các nghệ sĩ. Anh đã mang lại sự mới mẻ khi toàn bộ trang phục chỉ hai màu đen trắng, từng nhân vật chỉ khác nhau ở họa tiết trên ngực áo. Nhưng có lẽ lộng lẫy nhất là bộ áo dài của Hoàng Hậu đúng chuẩn bậc mẫu nghi thiên hạ. “Bộ áo dài với dải lụa trắng buông trước thân và sau lưng, sự tha thướt, uyển chuyển của dải lụa theo từng bước đi chỉ bậc Hoàng hậu tôn quý nhất mới xứng đáng có. Chiếc khăn vấn tóc của nhân vật Hoàng Hậu và Thị Lan cũng làm tôi mê mẩn” – Một khán giả phát biểu.

 

Vở Yêu là thoát tội còn chinh phục khán giả ở cách dàn dựng sáng tạo với sân khấu tối giản, mang tính ước lệ

 

Ngoài câu chuyện tình yêu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, kịch còn nóng hổi chuyện đời, chuyện người gần gũi với bối cảnh xã hội hiện nay

Chia sẻ về lý do đồng hành cùng vở kịch Á hậu Thu Hương cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, với những gameshow, trung tâm giải trí mọc lên như nấm thì loại hình kịch nói cũng như sân khấu kịch đang dần có xu hướng thoái trào. Đối với riêng tôi, sân khấu kịch thoái trào là câu chuyện của thời cuộc, khó có thể khác, song sân khấu kịch có chết hay không lại là câu chuyện của con người. Là một người Việt Nam, hơn ai hết, tôi và các chị em của Mạng lưới WLIN cũng như BSIN mong muốn lưu giữ những loại hình truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy, khi được anh Sĩ Hoàng giới thiệu, tôi đã kêu gọi các chị em đến để ủng hộ ngay”.

 

Á hậu Thu Hương cùng các thành viên WLIN trao gửi những đứa hoa chúc mừng đến các nghệ sĩ vì một đêm diễn thành công

“Đây là một vở diễn vô cùng sâu sắc và ý nghĩa, có tính nhân văn cao, giúp công chúng có thể hiểu hơn về lịch sử cũng như sự trăn trở của một người đứng đầu quốc gia trong thời kỳ tái thiết lại đất nước. Bên cạnh đó, vở kịch cũng mang đến sự đồng cảm với thân phận của người phụ nữ tài năng, xinh đẹp trong thời đại phong kiến” – Á hậu Thu Hương cho biết thêm.

 

 

 

Vở diễn đã khép lại nhưng tin chắc rằng sự xuất thần của các diễn viên đã đem lại cho khán giả những dư vị cảm xúc khác nhau.

 

 

 

 

Các thành viên WLIN chụp hình lưu niệm cùng các diễn viên

Một phần số tiền do Mạng lưới WLIN & Nam Hương Corp tài trợ để mua vé cũng như một phần tiền vé đến từ các thành viên Mạng lưới WLIN sẽ được tổng hợp để cùng với Quỹ từ thiện WLIN Việt Nam chuyển đến Miền Trung trong thời gian sớm nhất.

Hãy theo dõi hoạt động của WLIN để cập nhật các hoạt động sắp tới nhé!

Theo WLIN.vn

BÌNH LUẬN