NTK triệu đô Quách Thái Công: Thành công là khi bạn có đủ tự do thời gian, tự do địa điểm và tự do tinh thần
“Sau này, trước khi qua đời, nằm trên giường, tôi hoàn toàn có thể nói rằng tôi đã có một cuộc sống rất thoả mãn, không hối hận bất cứ một giây phút nào. Tôi đã sống trung thực, kiêu hãnh, tận cùng với bản ngã của tôi”, nhà thiết kế nội thất Quách Thái Công chia sẻ..
Quách Thái Công - nhà thiết kế nội thất người Đức gốc Việt, thường xuất hiện trên mặt báo cùng với hình ảnh những ngôi nhà với chi phí nội thất đến cả triệu USD. Ông cũng được biết đến với lối sống đẳng cấp, thượng lưu: Chỉ đeo đồng hồ hãng Rolex, sống trong ngôi nhà mà mỗi vật dụng như chiếc bàn, chiếc ghế có giá gần cả tỷ đồng. Lúc nhiều người hoang mang vì dịch Covid-19, ông dành hẳn 1 tháng "cách ly" cùng với bạn trai ở một resort thuộc hạng đắt đỏ nhất Việt Nam.
Quách Thái Công đã gây dựng cả sự nghiệp từ tài năng và "đôi bàn tay mình", theo chính lời ông nói. Ông tự lập đến nỗi, do chẳng nhờ ai đi lên nên "dù họ có mời tiệc, mình không muốn tới cũng được".
Bí quyết gì để có một cuộc đời độc lập, thành đạt lẫn hạnh phúc từ những năm niên thiếu 16 tuổi cho đến ngoài 40 như chính nhà thiết kế này bộc bạch? Câu trả lời có lẽ không nằm ở tiền bạc, mà ở lời dặn dò khi nhỏ của ba má ông...
Niềm đam mê với công việc thiết kế nội thất của Quách Thái Công bắt đầu từ khi nào?
Trang trí nội thất vốn là nhằm thoả mãn chính sở thích, đam mê của tôi. Hồi nhỏ ở nhà ba má, tôi tự mua giấy dán tường, tự sắp xếp bàn ghế, tự tìm kiếm thảm, phối màu, bài trí mọi vật dụng trong nhà. Có khi, mỗi tháng tôi trang trí phòng ngủ của mình theo một phong cách khác nhau. Nhà tôi thường xuyên thay đổi nội thất, thay đổi cách sắp xếp, thậm chí có câu chuyện vui rằng những người bạn đến chơi có lúc than "thất vọng" khi chưa thấy phòng ốc của tôi chưa kịp thay đổi gì. Từ khoảng 20 tuổi, tôi ra ở riêng, ngôi nhà tôi ở cũng do chính tay tôi sơn sửa, trang trí. Đó là một thói quen, một đam mê ngấm vào máu.
Từ nhỏ đã thoải mái trang trí nhà, gia đình anh nói gì, vì tôi thấy đa phần phụ huynh Việt thường cho đó là sự bày bừa và không mấy ủng hộ?
Tất cả mọi sở thích của tôi đều được ba má ủng hộ tuyệt đối và vô điều kiện. Thứ tôi muốn làm, thích làm luôn được ba má hỗ trợ, khích lệ. Hồi xưa tôi học ảo thuật, cần phục trang hay đạo cụ là những chú chim bồ câu, chiếc túi giấu đồ nghề… thì má luôn là người may túi cho tôi, còn ba lấy thùng gỗ tỉ mỉ đóng đinh, sơn sửa và dán lại đẹp đẽ. Ngay cả khi theo học ngành thiết kế thời trang, chiếc đầm, chiếc áo tôi may chưa đạt chuẩn đều được má "sửa sai", hướng dẫn may sửa lại cho.
Ba má tôi không bao giờ nói, thôi, đừng làm cái này, không làm cái kia. Gia đình tôi rất bình đẳng và tôn trọng nhau, má bảo: "Con muốn làm gì thì làm, té thì tự đứng dậy chứ đừng có kêu má. Đừng có tự làm xong rồi té, rồi khóc, rồi cần ba má giúp đỡ". Ba má tin rằng chỉ khi tôi làm những thứ tôi tin là hạnh phúc thì tôi mới phát triển được. Bạn thử ngẫm xem, chỉ khi bản thân mình hạnh phúc thì mình mới giúp những người xung quanh hạnh phúc được. Chỉ khi mình phát triển thì mới khích lệ sự phát triển cho những người xung quanh được. Khi đó, sự hạnh phúc, sự phát triển mới thật sự có giá trị lâu bền.
Được biết anh sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu, nền tảng tài chính từ gia đình đã hỗ trợ anh như thế nào trong sự nghiệp?
Khi còn ở Việt Nam, gia đình tôi sản xuất dầu gội đầu và keo xịt tóc, mang thương hiệu Lê Lan 999. Sau năm 1975, gia đình tôi kết thúc công việc đó, tới năm 1981 thì sang Đức. Sang đó, ba tôi đã lớn tuổi rồi, tôi rất tự hào vì mình không làm phiền ba má điều gì. Cái xe hơi đầu tiên là tôi tự bỏ tiền mua, mọi chuyện đều phải tự lập hết.
Khoảng 15 tuổi tôi bắt đầu trình diễn ảo thuật ở khắp các chương trình lớn nhỏ, từ tiệc sinh nhật, đám cưới cho đến những bữa tiệc có tới cả chục ngàn người tham dự. Thậm chí, tôi tham gia trình diễn ở các cuộc thi và từng gặt được kha khá giải lớn. Thu nhập từ công việc đó giúp tôi có thể sắm sửa tất cả những gì tôi muốn trong cuộc sống. Đó cũng là khoản thu nhập lớn đầu tiên trong đời.
Thành công với ảo thuật sớm như vậy, tại sao anh không tiếp tục phát huy thế mạnh ấy mà lại chuyển sang ngành thiết kế nội thất, rồi trở thành "cái nghiệp" tới tận hôm nay?
Nghề tự chọn tôi. Ảo thuật chỉ là một sở thích, và vô tình sở thích ấy mang lại cho tôi nguồn tài chính khá khẩm. Sau đó tôi chuyển sang học ngành thiết kế thời trang, làm stylist thời trang. Đặc thù khi chụp hình thời trang là cần thiết kế bối cảnh, chẳng hạn chọn cái ghế, bàn, bình hoa... phù hợp với concept đưa ra, thì việc bài trí ấy tôi tự làm được hết. Riết rồi người ta kêu tôi làm bối cảnh cho cả video ca nhạc luôn.
Khi tôi mở Art Gallery và tự trang trí nội thất ở bên trong, hữu duyên sao, một chủ khách sạn ở Hamburg nhìn thấy, mời tôi trang trí khách sạn của ông ấy. Sự hợp tác rất thuận lợi, rồi nhiều lần về sau, người ta tự mang yêu cầu đến cho tôi chứ tôi không phải cất công tìm kiếm. Lần đầu tiên, bạn có thể cho rằng đó là may mắn, nhưng nhiều lần cơ hội tự đến thì không thể coi là vận may được! Tôi say mê công việc thiết kế nội thất và dốc lòng làm tốt nhất trong khả năng của mình nên tôi tin mình đủ sức mạnh chinh phục những đôi mắt thẩm mỹ khó tính nhất.
30 năm thành công trong công việc thiết kế nội thất ở Đức, anh có trong tay danh sách của những khách hàng thuộc giới chính khách, thượng lưu tại nước này. Tại sao anh lại quyết định trở về Việt Nam mở công ty?
Năm 2014, nhân chuyến về Việt Nam du lịch, tôi tìm được một căn nhà rất đẹp ở Tú Xương, được người Pháp xây từ năm 1920. Tôi làm mới lại ngôi nhà, rồi "hữu xạ tự nhiên hương", báo chí tìm đến chụp hình. Không lâu sau, tôi được đề nghị làm đại diện cho một nhãn hàng xa xỉ.
Ban đầu, tôi thấy những gì mình làm còn xa lạ với nhu cầu tại Việt Nam, nhưng dần dà tôi nhận ra có một lượng nhỏ khách hàng thượng lưu ở đây hiểu được sản phẩm của mình. Showroom nội thất đầu tiên được khai trương vào năm 2015, việc kinh doanh phát triển quá mức tưởng tượng, vượt ngoài sự mong đợi cho tới ngày hôm nay.
Khách hàng và nhân viên không lạ gì sự tỉ mỉ tới mức ‘cực đoan’ của anh trong thiết kế nội thất. Anh từng chia sẻ, anh bay khắp thế giới, tìm những sản phẩm ưng ý, bởi anh "chỉ bán thứ anh thích". Thậm chí, có người kể rằng anh nhìn thấu từ miếng ráp của chiếc ghế, độ nặng của cái ly, đến từng chiếc dao chiếc nĩa trên bàn bài trí. Nội thất tại showroom của Quách Thái Công bắt buộc phải thay đổi mỗi tháng một lần. Anh làm sao duy trì được sự khắt khe đó trong công việc kinh doanh?
Khách hàng trước khi gặp tôi, phải qua "phỏng vấn" trước, chúng tôi tìm hiểu về yêu cầu của họ, xem có đúng thứ mình có thể đáp ứng hay không. Chúng tôi đòi hỏi sự tin tưởng của khách hàng, nếu khách hàng không tin vào thẩm mỹ, kỹ thuật hay sự trung thực trong giá cả, tôi cũng không thể giúp gì được cho họ. Tôi đã từ chối nhiều công trình, dù công trình ấy có thể mang đến nhiều tiền bạc và gia tăng thêm danh tiếng nhưng vì không có chung tiếng nói, nên tôi sẵn sàng lắc đầu từ chối.
Có trong tay tiền bạc, danh tiếng, địa vị, sự nghiệp đồ sộ và đời sống cá nhân vô cùng viên mãn. Anh định nghĩa như thế nào về thành công?
Thành công của tôi phải bao gồm 3 điều tự do. Thứ nhất, bạn phải đạt được tự do về thời gian. Thời gian của tôi do tôi toàn quyền quyết định. Điện thoại tôi cả ngày không ai gọi cả vì tôi có trợ lý bắt máy cho, tôi cũng không đi công tác nhiều. Có thể bạn rất giàu, nhưng nếu không tự do về thời gian, thì đó chưa phải thành công đích thực.
Thứ hai là tự do địa điểm. Ca sĩ Michael Jackson ngày xưa vì nổi tiếng quá không đi đâu được, tới đâu người ta đều xúm lại, không gian riêng hoàn toàn bị phá vỡ. Còn tôi được tự do quyết định địa điểm mình muốn hay không muốn đến. Cũng vì những chữ tự do trên mà tôi không khuếch trương thương hiệu thành chuỗi bán lẻ, cũng không mở thêm chi nhánh nào nữa tại Hà Nội hay Đà Nẵng như nhiều người gợi ý.
Còn tự do thứ ba mà anh muốn nói tới là gì?
Là tự do về tinh thần. Nhiều người nổi tiếng nhưng không có được điều này. Tôi là người đồng tính, nhưng tôi không ngại ngần hay nỗ lực che giấu, ngược lại, tôi tự do thể hiện ra cho thế giới này biết. Đó là sự tự do của tôi. Chẳng hạn bạn rất nổi tiếng, rất giàu có, nhưng bạn không dám thể hiện con người của bạn, thì cuộc sống đó là gì? Cuộc sống giả tạo như một tấm áo nguỵ trang hòng che mắt thiên hạ, một cuộc sống không thật thà, chân thực. Sống vậy rất uổng! Thành công của tôi là sống một cuộc đời đúng như tôi mong muốn, miễn là không làm người khác đau đớn hay tổn thương. Bạn biết không, nếu ngày mai trước khi chết đi, tôi hoàn toàn tự tin nói rằng tôi đã có một cuộc sống rất thoả mãn, không hối hận bất cứ một giây phút nào, tôi đã sống trung thực, kiêu hãnh, tận cùng với bản ngã của tôi.
Nhưng chẳng phải để có được 3 chữ tự do trên, thì điều kiện tiên quyết phải đạt được là tự do tài chính? Người ta vẫn bảo, phải có tiền trước thì mới bắt đầu mơ tới những thứ khác, thậm chí cao siêu như... hái sao trên trời. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?
Lúc tôi 20 tuổi, tôi chỉ xài đúng số tiền tôi có, tôi với bạn cùng đi picnic, tự nấu ăn, tự chuẩn bị mọi thứ. Ước mơ năm 20 tuổi giản dị như thế.
Tới 40 tuổi, có người bạn tôi mua du thuyền 40 triệu đô, tôi cũng không đòi hỏi rằng mình cũng phải mua du thuyền. Có thể năm 60 tuổi tôi cần du thuyền hay máy bay, nhưng giờ tôi không có nhu cầu đó.
Tôi gọi là "giàu đủ xài", cái đủ đó mình phải tự quyết định được. Hiện tại tôi hạnh phúc, nhưng nếu đầu óc tôi nghĩ xa hơn nữa, tôi đã tự động đánh mất cái hạnh phúc đó. Nếu tôi nghĩ mình cần mua du thuyền, trực thăng thì tôi đâu thể ngồi đây với bạn. Vì cứ muốn nhiều quá thì phải làm việc nhiều hơn, phải nhận những công việc mình không muốn làm.
Nghĩ lại, năm tôi 18 tuổi, 20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi, giai đoạn nào tôi cũng hạnh phúc cả. Ngay ở hiện tại này, ai cũng có thể sống hạnh phúc. Nếu bạn muốn sống hạnh phúc ngày hôm nay thì bạn sẽ chỉ làm công việc và nhu cầu của bạn đến đó thôi, đừng tham lam, đừng yêu cầu nhiều quá.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Bài: Trang Đỗ
Ảnh: Dương Trường
Theo Trang Đỗ - Ảnh: Dương Trường
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN