Mentor Trần Đỗ Như Quỳnh CEO Kids 2023 - Giáo dục để con hiểu hơn quy luật cuộc sống và phát triển
“Chúng ta không thể bao bọc con cái cả đời trong cái vỏ an toàn yêu thương. Chỉ có giáo dục con hiểu quy luật cuộc sống, phát triển kỹ năng lãnh đạo đội nhóm, tự lập sinh tồn cần thiết thì khi rời xa gia đình, con mới chủ động cạnh tranh được trong môi trường xã hội toàn cầu hóa”, Mentor CEO Kids 2023 Trần Đỗ Như Quỳnh chia sẻ quan điểm về việc dạy con biết cách quản trị cuộc sống.
PV: Chào chị Trần Đỗ Như Quỳnh. Được biết chị vừa nhận lời trở thành Mentor CEO Kids 2023. Điều gì thú vị ở chương trình này đã thuyết phục được một người luôn bận rộn và đặt công việc làm ưu tiên như chị?
Chào Quý vị độc giả, Quý vị phụ huynh và các em CEO Kids 2023. Khi được chị Nguyễn Thu Hương - Tổng Giám đốc Nam Hương Media Group mời trở thành Mentor CEO Kids 2023 tôi rất vui. Điều thú vị là công việc hiện tại của tôi đang cố vấn đào tạo cho các gia đình quản lý tài sản, thế hệ kế thừa Next Gen.
Tôi có bé con năm nay được 4 tuổi. Tôi định hướng cho con trở thành 1 doanh nhân toàn cầu trong tương lai để kế thừa công việc kinh doanh của gia đình và CEO Kids cho tôi cơ hội được chia sẻ kiến thức, lan tỏa giá trị đến với nhiều bạn nhỏ như con của tôi.
Mặc dù bản thân luôn bận rộn và đặt công việc làm ưu tiên, nhưng tôi tin rằng việc tham gia CEO Kids là một việc làm ý nghĩa và đáng để dành thời gian. Bởi tôi mong muốn được góp phần giúp các bạn nhỏ phát triển toàn diện, trở thành những công dân tốt đẹp và doanh nhân thành công.
PV: Trong vai trò cố vấn, chị sẽ mang đến điều gì đặc biệt cho các bé?
Tôi mang đến sự khác biệt và tư duy doanh nhân quốc tế ngay lúc còn nhỏ dành cho các bé tự tin quyết đoán vươn ra biển lớn toàn cầu, khẳng định giá trị của con người Việt Nam trên thế giới.
Việc từng được gia đình rèn luyện sớm về tài chính từ nhỏ khiến tôi đồng cảm, hiểu tâm sinh lý các con hơn ai hết. Do đó, tôi sẽ giúp các con thương gia đình, hiểu rõ hơn về tài chính và định hướng cho tương lai của bản thân.
PV: Là người may mắn thừa hưởng nhiều kinh nghiệm hữu ích từ bố mẹ, đặc biệt là sự cứng rắn của bố và mềm mại của mẹ, những bài học từ thời niên thiếu đã giúp cho chị thành công và có được một vị trí như ngày hôm nay ra sao?
Bố tôi làm về tài chính, thích an toàn giữ tiền nên cứng rắn. Trước đây, ông thuộc sư đoàn 338 quân đội và được Nhà nước cử đi nước ngoài du học ngành Quản lý kinh tế tại Đại học tổng hợp Sofia, đến khi về nước từng làm trưởng ban đổi tiền và thanh tra ngân hàng nhà nước trước khi nghỉ hưu nên ông đã đem lối giáo dục sớm phương Tây vào rèn con cái từ nhỏ những bài học của sự kỷ luật và chịu trách nhiệm. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính phải sử dụng tiền đúng mục đích và chịu trách nhiệm đến cùng với những quyết định của bản thân.
Còn mẹ tôi là chủ doanh nghiệp, thích mạo hiểm kiếm nhiều tiền nên rất linh hoạt. Từ nhỏ, tôi được tiếp xúc với môi trường kinh doanh thông qua quan sát trực tiếp lẫn trải nghiệm gián tiếp cách mẹ bán hàng, giao dịch với các đối tác và tôi đã học được rất nhiều bài học kinh doanh quý giá từ mẹ như chủ động đạt được những điều bản thân muốn, tự tin chấp nhận thử thách và đứng lên làm lại.
Quả thực tôi đã rất may mắn, khi được sinh ra trong một gia đình cân bằng cả 2 yếu tố tài chính và kinh doanh. Bố mẹ đều là những người có ảnh hưởng lớn đến tính cách của tôi hiện nay, nên tôi luôn cố gắng học hỏi phát triển bản thân và trở thành niềm tự hào của gia đình đã kỳ vọng.
PV: Theo chị, với các trẻ nhỏ, việc rèn luyện kỹ năng hay đạo đức, thái độ sống quan trọng hơn?
Tất cả đều quan trọng đối với trẻ nhỏ, tùy vào mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, gia đình tôi đang ưu tiên đào tạo con theo phương pháp 60% đạo đức, thái độ sống là nền tảng để phát triển 40% kỹ năng. Nếu con không có nền tảng đạo đức, thái độ sống tốt, thì dù kỹ năng giỏi đến đâu cũng khó có thể thành công và hạnh phúc trọn vẹn.
Cá nhân tôi cho rằng, rèn luyện đạo đức, thái độ sống cho con sẽ khó hơn dạy kỹ năng bởi vì cần môi trường và nhiều người làm gương cho trẻ về đạo đức, thái độ sống. Trẻ sẽ học hỏi quan sát từ những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người nổi tiếng. Vì rèn con cũng là rèn chính mình, nên tôi luôn nghiêm khắc sửa đổi bản thân tốt lên mỗi ngày và cũng yêu cầu những người xung quanh phải thực hiện kỷ luật để con noi theo.
Chẳng hạn, trong gia đình tôi, con dù mới 4 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những việc mình làm, luôn phải tự chủ động muốn bất cứ điều gì cần nói ra mới được đáp ứng, có ý thức bảo vệ tài sản của bản thân và gia đình, giữ kỷ luật những thói quen như ăn xong tự lau bàn dọn chén đổ rác vào thùng, đồ chơi xong phải vui vẻ cất vào thùng trước khi đi ngủ, đi học tự chuẩn bị cặp sách, muốn đi công việc với mẹ sẽ tự giác tìm quần áo đẹp thay trang phục.
PV: Liệu trong độ tuổi 4 đến 14 tuổi mà hướng dẫn các con biết cách quản trị cuộc sống, biết thủ lĩnh đội nhóm hay kiếm tiền và tiêu tiền là có sớm hay không, theo chị?
Với gia đình tôi thì không hề sớm, đó là sự trang bị cần thiết và đầy đủ để các con tự tin trước mọi việc sẽ xảy ra trong tương lai! Chúng ta không thể bao bọc con cái cả đời trong cái vỏ an toàn yêu thương, chỉ có giáo dục con hiểu quy luật cuộc sống, phát triển kỹ năng lãnh đạo đội nhóm, tự lập sinh tồn cần thiết thì khi rời xa gia đình, con mới chủ động cạnh tranh được trong môi trường xã hội toàn cầu hóa.
PV: Chị từng được bố mẹ chỉ cách kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào? Chị còn nhớ những đồng tiền đầu tiên mình kiếm được là như thế nào không? Và chị đã sử dụng chúng hiệu quả ra sao?
Gia đình tôi không áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc hoặc dạy cách cụ thể phải làm thế nào với đồng tiền, nhưng bố mẹ luôn tạo ra những bối cảnh đặc biệt để tôi phải tự lay hoay nghĩ cách làm được – làm tốt nhất.
Bài học kiếm tiền và tiêu tiền bắt đầu từ tiểu học, thời đó tôi không có tiền tiêu vặt, làm việc nhà là nghĩa vụ và trách nhiệm cũng không được thưởng, chỉ duy nhất 1 việc là hàng ngày mẹ giao cho một số tiền rất nhỏ đi chợ và nhiệm vụ là phải tự nấu 2 bữa cơm đầy đủ vì bố mẹ bận đi làm. Tôi lúc đó nhỏ xíu nhưng rất thích việc tự cầm tiền đi ra chợ mặc cả, lên kế hoạch ăn những món gì, nấu theo ý thích và có nhiều hôm đi chợ còn thừa tiền để thuê truyện đọc nên cực vui.
Hè lớp 9 sau khi thi đỗ cấp ba, tôi xin bố tiền mua quần áo mới và ép tóc không được, nên quyết định nhờ xin vào làm thêm tháng hè trong doanh nghiệp của bạn mẹ. Lúc nhận lương tôi liền hoàn thành mục tiêu mình thích và nghiệm ra sâu sắc rằng bản thân muốn cái gì phải tự làm ra tiền mua cái đó và có thể từ chối làm những việc bản thân không muốn cũng là 1 dạng tự do. Một kỷ niệm về tiền thời điểm đó có ảnh hưởng lớn là trong khi đi giao kem vô tình trông thấy mấy người bạn sành điệu của mình từ xa, tôi bỗng xấu hổ ngồi xụp xuống trốn và nói dối rồi xin nghỉ việc vì sợ bạn phát hiện. Xã hội lúc đó đa phần mọi người đều nghĩ “Chỉ có con nhà nghèo mới phải đi lao động kiếm tiền từ nhỏ” nên việc đi làm thêm tôi giấu không dám nói ra.
Nghỉ hè các năm sau tôi lại lén đi kiếm tiền như một thói quen, tự vào cửa hàng áo cưới xin làm lễ tân, sau đó trải nghiệm làm bánh bao, nhân viên pha chế quán cafe, PG bán hàng, MC dẫn chương trình... rồi cứ đủ 1 chỉ vàng là dùng tiền mua vàng để dành.
Tới lúc học Đại học tại Hà Nội, trong khi bạn bè được cho tiền ăn học thì gia đình tôi cắt hẳn, không cho luôn khiến phí sinh hoạt hàng tháng tôi phải vay mẹ và cam kết sau này đi làm hoàn trả lại, còn học phí thì vừa học vừa đi bán hàng để nộp cho trường. Năm cuối Đại học, tôi bắt đầu startup công việc kinh doanh riêng và sau 1 năm đã đủ tiền mua 1 căn nhà riêng, kèm trả lại toàn bộ tiền đã vay gia đình ngày xưa.
Lúc còn nhỏ chưa hiểu phương pháp giáo dục “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” nên trách tại sao gia đình có tiền mà khi tôi xin cái gì cũng bị từ chối không đáp ứng, còn gia đình bạn bè cùng trang lứa luôn chiều chuộng ngược lại nên tâm lý lúc nào cũng so sánh “Bố mẹ nhà người ta”. Giờ tôi đã làm một người mẹ, hiểu rằng phải thương con đến nhường nào gia đình mới rèn tôi cách sống “Vượt sướng khó hơn vượt khổ” và giờ tôi có thể tự hào kể về những đồng tiền đầu tiên bản thân tự kiếm được đã giúp tôi nên người hôm nay.
PV: Là một chuyên gia, diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực “Quản lý tài sản gia đình” sao cho hiệu quả, chị nhận ra vai trò của thế hệ kế thừa quan trọng như thế nào trong sự phát triển bền vững của một dòng tộc hay gia đình?
Bản thân tôi từ nhỏ cũng là thế hệ kế thừa trong 1 doanh nghiệp gia đình, sau khi trưởng thành ngoài việc tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, tôi dành toàn bộ thời gian còn lại nghiên cứu quốc tế về lĩnh vực “Family Office, Family Business Management”. Chính sự đam mê, kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm cá nhân thực tế đã trải qua nên tôi luôn được các tập đoàn gia đình tại Việt Nam cũng như quốc tế mời làm cố vấn cho con cái họ mảng quản lý tài sản và kinh doanh gia đình.
Ngày 2/12/2019 ra mắt mạng lưới kế nghiệp Việt Nam tại Hà Nội, Nguyên Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) anh Vũ Tiến Lộc có nói với tôi “Nhiệm vụ của cố vấn như em là giúp thế hệ kế thừa Next Gen kế nghiệp thành công và vượt qua câu nói (Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời)” khiến tôi nhớ mãi. Chính phủ hiện nay cũng rất quan tâm đến thế hệ kế thừa Next Gen bởi đó là những người sẽ tiếp quản tài sản, quyền lực và trách nhiệm của các gia đình hạt nhân trong tương lai. Nếu được đào tạo đúng đắn và chuẩn bị tốt, họ sẽ là những người góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững không những của gia đình, dòng tộc mà còn của cả đất nước Việt Nam trong thời đại sắp tới.
Theo tôi, để Next Gen phát huy tốt vai trò của mình, cần có sự cố vấn chuyên nghiệp của chuyên gia lên kế hoạch cụ thể và cần sự đầu tư bài bản cho giáo dục sớm từ thế hệ bố mẹ đi trước. Khi đó thế hệ kế thừa sẽ tiếp quản tài sản, quyền lực để đầu tư kinh doanh tạo ra giá trị mới và giữ gìn, bảo vệ tài sản, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình mình qua nhiều thế hệ.
PV: Nếu để nói một điều gì đó với các con, những em nhỏ đang tham gia chương trình CEO Kids 2023, chị sẽ nói gì?
Kinh doanh không chỉ là kiếm tiền, mà còn là một cách để tạo ra giá trị và thay đổi thế giới. Các con là những CEO tài ba và thành công.
PV.
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN