Jeff Bezos: Doanh nhân tuổi Mão đứng sau `đế chế` Amazon
Trong số những doanh nhân tuổi Mão trên toàn cầu, thành công nhất cho tới nay là Jeff Bezos, nhà sáng lập doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon. Cùng nhìn lại câu chuyện phía sau sự thành công của Amazon, thành tựu lớn nhất của tỷ phú giàu thứ ba thế giới.
Thành công của Jeff Bezos đến từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Jeff Bezos sinh vào đầu năm 1964, nhưng theo cách tính dân gian, ông vẫn được sinh vào năm âm lịch 1963, tức hiện đã 60 tuổi, là một "Quý Mão" điển hình của làng doanh nhân thế giớiTheo chỉ số tỷ phú Bloomberg, tính tới ngày 24/1, khối tài sản của Jeff Bezos hiện trị giá 121 tỷ USD, là tỷ phú giàu thứ 3 thế giới sau "ông trùm" hàng hiệu Bernard Arnault và ông chủ hãng xe điện Tesla Elon Musk.
Jeff Bezos và cơ duyên với Amazon
Jeff Bezos thành lập "gã khổng lồ" thương mại điện tử Amazon vào năm 1994 trong gara của mình ở Seattle. Ông từ chức CEO để trở thành chủ tịch điều hành công ty vào tháng 7/2021. Hiện tại, người sáng lập trang web bán lẻ trực tuyến sở hữu dưới 10% cổ phần công ty. Ông cũng sở hữu tờ The Washington Post và Blue Origin, một công ty hàng không vũ trụ cạnh tranh với SpaceX của Elon Musk.
Đằng sau sự thành công của Amazon và người sáng lập ra nó, là sự đổi mới, sáng tạo và làm việc chăm chỉ không ngừng nghỉ. Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, hãy cùng tìm hiểu sâu về cách "gã khổng lồ" thương mại điện tử và người sáng lập của nó đã vươn lên dẫn đầu.
Jeff Bezos sinh ra ở Mexico và lớn lên tại Houston và sau đó là Miami. Bắt đầu từ thuở niên thiếu, ông đã quan tâm sâu sắc đến khoa học máy tính, mặc dù đã dành phần lớn thời gian đầu đời để làm việc tại trang trại của ông bà ngoại ở Texas.
Jeff Bezos tốt nghiệp Đại học Princeton với tấm bằng xuất sắc năm 1986 ngành kỹ sư điện và khoa học máy tính, và tiếp tục gia nhập công ty khởi nghiệp Fitel sau khi từ chối lời mời làm việc từ cả Intel và Bell Labs. Ông làm việc ở Phố Wall trong nhiều lĩnh vực liên quan từ năm 1986 đến đầu năm 1994.
Ở tuổi 30, Bezos có mức lương 6 con số, nhưng việc nhận ra rằng thế giới web khi đó đang tăng trưởng 2300% đã thúc đẩy ông thành lập công ty riêng của mình, chính là Amazon.
Hành trình Amazon của Jeff Bezos
Khi Jeff Bezos nhận ra tiền đồ mở rộng của web, ông đã tạo một danh sách gồm 20 sản phẩm tiềm năng mà ông tin rằng có thể bán chạy trên mạng. Theo tư duy của ông lúc bấy giờ, ngay cả những hiệu sách lớn nhất cũng chỉ có thể chứa vài trăm nghìn cuốn sách cùng một lúc, chỉ một phần nhỏ trong số lượng đầu sách gần như vô tận thực sự có sẵn. Sách là danh mục sản phẩm dẫn tới thắng lợi của ông Bezos.
Năm 1994, ông Bezos mang ý tưởng của mình đến Seattle, nơi tập trung rất nhiều tài năng công nghệ cao và gần với kho hàng của Ingram Book Group ở Oregon. Với 1 triệu USD huy động được từ bạn bè và gia đình, Bezos đã thuê một ngôi nhà trong thành phố và thành lập công ty kinh doanh sách trực tuyến mới từ nhà để xe của mình.
Trong những ngày đầu của Amazon, chuông sẽ reo trong văn phòng mỗi khi ai đó mua hàng và mọi người sẽ tập trung xung quanh để xem họ có biết khách hàng hay không. Tất nhiên, việc này chỉ diễn ra trong vài tuần trước khi chuông kêu thường xuyên đến mức họ phải tắt nó đi.
Trong tháng đầu tiên ra mắt, Amazon đã bán sách cho mọi người ở tất cả 50 tiểu bang và 45 quốc gia khác nhau.
Trong gần một năm, Bezos và một nhóm 5 nhân viên đã làm việc tại gara ở Seattle, học cách tìm nguồn sách và tạo ra một hệ thống máy tính giúp Amazon.com dễ dàng điều hướng. Nhóm tự gọi trang web của mình là “Hiệu sách lớn nhất Trái đất” với hơn 1 triệu đầu sách cho khách hàng lựa chọn. Đến tháng 9/1996, Amazon.com có hơn 100 nhân viên và đạt doanh thu hơn 15,7 triệu USD.
Jeff Bezos kỳ vọng nhân viên sẽ làm việc ít nhất 60 giờ một tuần. Ý tưởng về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gần như không tồn tại.
Mùa Giáng sinh căng thẳng đầu tiên của Amazon đến vào năm 1998 do công ty thiếu nhân viên trầm trọng. Mọi nhân viên đều phải thay ca ở các trung tâm thực hiện đơn hàng để đáp ứng các đơn đặt hàng. Họ sẽ mang theo bạn bè và gia đình của họ và thường ngủ trong ô tô trước khi đi làm vào ngày hôm sau.
Sau đó, Amazon đã thề rằng sẽ không bao giờ thiếu lao động để đáp ứng nhu cầu cho những ngày lễ nữa, đó là lý do tại sao Amazon thuê rất nhiều lao động thời vụ hiện nay.
Sau khi Amazon.com ra mắt, Barnes & Nobles đã nhanh chóng tung ra sự hiện diện trực tuyến của riêng mình và một chiến dịch tiếp thị tuyên bố rằng họ cung cấp gấp đôi số lượng sách so với Amazon. Tuy nhiên, Bezos đã mở rộng dòng sản phẩm của Amazon và thay đổi khẩu hiệu của trang thương mại điện tử thành “Sách, Âm nhạc và hơn thế nữa”.
Nhờ chiến lược mở rộng không ngừng, năm 2019, Amazon được cho là sẽ kiểm soát 37% tổng doanh số bán lẻ trực tuyến. Công ty có mức vốn hoá cao nhất lên tới 1.800 tỷ USD vào tháng 7/2021 và là công ty có giá trị thứ 5 trên thế giới tính theo vốn hóa thị trường.
Hiện tại, Amazon vẫn là công ty có giá trị lớn thứ 5 thế giới, nhưng mức vốn hoá đã tụt xuống quanh mức 995 tỷ USD, ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ trong năm 2022.
Đi lên cùng sự phát triển của công ty, khối tài sản của ông Bezos cũng không ngừng tăng trưởng. Ông đã từng là tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2021 với khối tài sản 213 tỷ USD, trước khi bị chiếm mất vị trí số 1 bởi ông chủ Twitter Elon Musk.
Tại sao Amazon lại thành công như vậy?
Có nhiều lý do tại sao Amazon là một trong những doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới, mặc dù lý do chính thường được coi là sự tận tâm đối với trải nghiệm của khách hàng. Amazon làm cho trải nghiệm mua sắm trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Mọi động thái của công ty đều lấy khách hàng làm trung tâm.
Tất nhiên, cũng có những yếu tố khác dẫn tới sự thành công này, bao gồm một danh mục hàng hoá bất tận mọi chủng loại, trải nghiệm mua sắm tốt, hay danh sách "14 nguyên tắc lãnh đạo' nổi tiếng của công ty.
Mặc dù Jeff Bezos từ chức Giám đốc điều hành của Amazon vào năm 2021, tên của ông vẫn luôn song hành với gã khổng lồ thương mại điện tử với tư cách là một trong những công ty hàng đầu thế giới.
Theo ông Bezos, một trong những bài học quan trọng mà ông học được khi xây dựng Amazon là “thành công có thể đến từ quá trình lặp đi lặp lại: phát minh, khởi chạy, phát minh lại, khởi chạy lại, bắt đầu lại, rửa sạch, lặp đi lặp lại”, đồng thời bổ sung rằng “các con đường dẫn đến thành công không phải là đường thẳng”.
Theo CEO Today
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN