Nghề làm cha mẹ BẢN NĂNG, NGHỆ THUẬT HAY KHOA HỌC?
Chuyên gia giáo dục học Lê Thị Phương Nga: "Tôi xin trích lời một trong những vị bác sĩ nhi nổi tiếng nhất Việt Nam, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: "Chúng ta nên học kỹ năng làm cha mẹ một cách bài bản, bởi vì làm cha mẹ không chỉ là bản năng hay nghệ thuật, mà cũng là khoa học nữa. Chúng ta học để làm gì? Để khi bản năng lệch lạc, nghệ thuật phân vân, thì chúng ta có khoa học dẫn lối, để có thể đưa con em chúng ta về đích an toàn”."
Bản năng, nghệ thuật và khoa học
Làm cha mẹ là thiên chức của các bậc sinh thành. Nói vậy có nghĩa là, chỉ bằng vào bản năng, từ thuở sơ khai chúng ta đã có thể nuôi dạy con đến tuổi trưởng thành. Nhưng đời sống thời nay ngày càng bộn bề và phức tạp, chúng ta không khỏi mang theo những cảm xúc tiêu cực về nhà; hoặc mặt khác, ngay việc nuôi dạy con cũng khiến ta vất vả mỗi ngày. Chính đó là lúc bản năng chúng ta dễ lệch lạc, những cảm xúc tiêu cực hoàn toàn có thể chiếm chỗ của yêu thương khi cha mẹ đối diện với con mình, rất dễ tổn thương những tâm hồn mong manh, nhạy cảm.
Làm cha mẹ cũng không chỉ có nuôi dưỡng, cho ăn. Đối với tôi, đó là một lộ trình Nuôi - Rèn - Dạy xuyên suốt 18 năm đầu đời của trẻ. Để rèn luyện nên một con người, một nhân cách tốt, đó phải là nghệ thuật. Chẳng nghệ thuật sao? Khi ta phải áp đặt kỷ cương mà trẻ vẫn cảm nhận được tình thương của ta trong từng lời răn dạy? Hơn bất cứ nghệ sĩ nào, cha mẹ mang sứ mệnh tạo dựng nên cả một tác phẩm sống. Nhưng chính bản năng yêu thương đôi khi ngăn trở, khiến nghệ thuật phân vân: chúng ta không dễ gì tránh được cảm giác xót xa những khi phải gò con vào khuôn phép. Và chỉ cần đôi lần phép tắc không nghiêm, hoặc giả phép tắc chúng ta đặt ra không chính đáng: đều có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Đó là lý do chúng ta cần khoa học khách quan dẫn lối. Bên cạnh động lực là tình yêu thương cùng kỹ năng khéo léo, uyển chuyển khi đối diện với trẻ, chúng ta còn phải nắm vững các kiến thức, các phương pháp nuôi dạy trẻ. Nhất là đối với xã hội hiện đại đang phát triển không ngừng và đa dạng như ngày nay.
Danh sư xuất cao đồ
Không ít bậc phụ huynh cũng ý thức được sự cần thiết của khoa học nuôi dạy trẻ. Nhưng một lần nữa, cuộc sống tất bật khiến họ không đủ thời gian nghiền ngẫm và thực hành các kiến thức có sẵn trong sách báo, cẩm nang của những tác giả giàu chuyên môn.
Cũng có các khóa học. Nhưng không ít nơi nội dung còn tản mác, thiếu chính xác, chưa bao quát hết các mặt Nuôi dinh dưỡng - Rèn nhân cách - Dạy kiến thức. Nhu cầu xã hội đòi hỏi những khóa học được hướng dẫn bài bản bởi những chuyên gia có uy tín, có chất lượng chuyên môn cao với nội dung tinh tuyển, súc tích, để phù hợp với thời gian biểu tất bật của các bố mẹ.
Gần đèn thì sáng
Học lại còn phải đi đôi với thực hành và trao đổi kiến thức. Các khóa học tất yếu sẽ qua đi. Kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn của tôi cho thấy, đồng hành cùng các bậc phụ huynh nhiều khi không phải là giảng viên hay sách vở, mà chính là cộng đồng các phụ huynh có cùng tư tưởng tiến bộ. Giảng viên không thể một mình lo hết đặng, sách báo càng không thể linh hoạt sẻ chia những khúc mắc đa chiều. Tôi thường động viên các học viên cũ lẫn mới của mình kết nối, giữ liên lạc với nhau, để tạo ra một cộng đồng tương hỗ, cùng chia sẻ, đồng cảm, cùng nhắc nhau giữ vững tinh thần giáo dục có phương pháp mà chúng tôi đã tiếp thu.
Nắm vững phương pháp là một chuyện, làm được và duy trì trong quãng thời gian dài đằng đẵng là việc cần ý chí rất lớn. Và bên cạnh tình yêu thương con vô bờ bến, tinh thần cộng đồng giữa những người làm cha mẹ tiến bộ cũng sẽ giúp phụ huynh chúng ta vững tâm qua từng ngày.
Chị Trương Minh Thủy, doanh nhân, thành viên của cộng đồng Pro Parents bộc bạch: “Trước kia tôi cũng từng nghĩ mình chỉ cần yêu con, chứ không cần tham gia các khóa học làm gì. Nhưng cuộc sống ngày càng bộn bề, vất vả, chúng ta vẫn thường mang những bận rộn hoặc những cảm xúc tiêu cực về nhà đối diện với các con. Chính điều đó hình thành khoảng cách giữa tôi và các cháu, khiến tôi phải nhìn nhận lại bản thân vẫn còn thiếu những kỹ năng làm cha mẹ chuyên nghiệp”.
Chị Mẫn Thị Giang, giáo viên tiểu học, một thành viên trẻ của cộng đồng Pro Parents cũng chia sẻ: “Mình năm nay mới 27 tuổi, bé nhà mình cũng chỉ hơn 30 tháng, nên mình vẫn còn rất bỡ ngỡ trên hành trình nuôi dạy con. Mình thấy rất ý nghĩa khi được giới thiệu đúng khóa học mà mình cần của cô Lê Thị Phương Nga. Không những thế, mình nghĩ cũng cần vận động ông xã tham gia, để bố mẹ có được sự thống nhất và tương đồng trong lộ trình nuôi dạy con sắp tới”.
Anh Bùi Đỗ Nguyên, dịch giả sách Dạy con - Sáng tạo không áp đặt, Hiệu trưởng Học viện Dạy trẻ tư duy EFK, cũng rất hoan nghênh cộng đồng Pro Parents: “Nếu có những khóa học nuôi dạy con xuyên suốt, bài bản và uy tín, thì tất cả chúng ta đều nên đi học. Thay vì chúng ta phải bỏ thời gian đọc từ nhiều nguồn, nhiều sách báo, giờ đã có các chuyên gia uy tín tổng hợp sẵn, chúng ta chỉ việc đến tiếp thu và tích cực áp dụng. Có như thế chúng ta mới tránh được những sai sót trong việc nuôi dạy con, trong khi chính con cái chúng ta phải lãnh chịu hậu quả từ những sai sót đó”.
Từng là học viên được hướng dẫn bởi chính cô Lê Thị Phương Nga, Ts. Giáo dục học Nguyễn Thu Hương cũng bày tỏ niềm vui mừng: “Với tư cách mẹ của hai bé trai, khóa học quý báu nhất trong vô vàn những kiến thức bản thân đã lĩnh hội chính là những khóa học nuôi dạy trẻ của cô Lê Thị Phương Nga. Chúng ta có thể học nhiều thứ khác nhau bởi đa dạng ngành nghề, nhưng tất cả chúng ta đều có một ‘nghề’ chung là làm cha, làm mẹ. Và còn ý nghĩa hơn khi khóa học qua đi, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với các gia đình cùng khóa, cùng chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, cùng được chứng kiến các con khôn lớn nên người”.
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN