Học cách tư duy không an toàn thời khủng hoảng
Khi thời điểm khủng hoảng qua đi thì cũng là lúc mỗi người trong chúng ta học cách thích nghi với một “cuộc sống bình thường mới”, nhưng với doanh nhân và kể cả những người muốn kinh doanh thành công thì cũng cần phải làm quen với việc kinh doanh theo cách “bình thường mới”. Tư duy an toàn, liệu có an toàn? Chúng ta đa phần thường thích lựa chọn những điều an toàn trong khả năng có thể thực hiện được. Ts. Nguyễn Thanh Hoàn chia cộng đồng thành 4 nhóm người chính: Người làm công, Người kinh doanh, Người làm chủ hệ thống và bậc cao nhất là Nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi chúng ta đang dần tiến vào kỉ nguyên công nghệ số công nghệ tự động hoá sẽ thay thế đến 47% công việc hiện tại vào năm 2033, theo một nghiên cứu mới đây của trường đại học Oxford và chỉ có những người làm chủ một doanh nghiệp, chủ một hoạt động kinh doanh thì mới giữ vững vị trí của mình.
Tuy nhiên, việc kinh doanh không phải là một việc đơn giản, mà cần bản lĩnh, tinh thần thép, định vị tốt vị trí của mình ở đâu trong ma trận kinh doanh để từ đó phân tích điểm mạnh, điểm yếu và và nắm bắt thời cơ dù nhỏ nhất mới có thể đạt được thành công. Những người dám mạo hiểm đầu tư lớn là những người có thể nắm được chìa khóa thành công, còn những người lựa chọn an toàn, nhàn nhã và bình yên qua từng ngày từng ngày giống nhau là an phận. Mà an phận thì không thất bại cũng sẽ chẳng có thành công. Cũng như việc người có tiền thì đem tiền đi đầu tư là mạo hiểm, còn có tiền mà đem tiền gửi ngân hàng để sinh lãi là người an toàn. Người thành công lại là những người sợ nhưng không thể hiện ra bên ngoài, lo lắng nhưng không than vãn mà bắt tay vào hành động, cố gắng vượt qua giới hạn bản thân để tìm ra chính mình.
Ma trận Boston
Báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh năm 2019, của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, năm 2019, số doanh nghiệp thành lập đạt khoảng 138.140 doanh nghiệp (tăng 5,2%), nhưng cũng có đến 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,2% so với năm ngoái. Vì sao nên nỗi? Chúng ta thường đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, nhưng thực tế việc thành hay bại đều nằm ở tư duy mỗi con người. Người Việt Nam có những lợi thế hết sức to lớn: cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi, thông minh, tuy nhiên, cái thiếu quan trọng nhất đó chính là bản lĩnh của người làm kinh doanh, nguyên nhân chính dẫn đến việc hầu hết các doanh nghiệp đều không thể “trải qua sinh nhật lần thứ 2”, theo Ts. Nguyễn Thanh Hoàn.
Tương lai của doanh nghiệp Việt Nam thời kì hậu Covid Vậy trong thời gian khủng hoảng, việc kinh doanh trì trệ thì chúng ta phải làm gì? Ngồi yên chờ dịch qua đi, hay tiếp tục kinh doanh? Đáp án là hãy học cách thay đổi tư duy. “Có một câu mà chúng tôi thường hay nói với các doanh nghiệp, trong nguy thì có cơ, đó không phải là một câu động viên mà là điều thực tế sẽ xảy ra. Một doanh nghiệp hoạt động cần phải có đủ 2 yếu tố: môi trường bên ngoài và môi trường bên trong. Khi khủng hoảng xảy ra, như dịch Covid-19 đang hoành hành là một thách thức mang yếu tố tác động bên ngoài thì đây cũng là thời điểm để chúng ta tĩnh tâm lại, tạm dừng các hoạt động kinh doanh, ngồi xuống và xác định điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp hay chính bản thân mình là gì? Các đối thủ đang có những chiến lược gì? Liệu có phù hợp để doanh nghiệp mình cạnh tranh hay không? Để rồi khi chúng ta ra được bảng phân tích một cách chi tiết thì lúc đó tự khắc sẽ có câu trả lời. Nếu doanh nghiệp nào thấy lĩnh vực kinh doanh của mình đang là xu thế thì hãy mạnh dạn phát triển còn nếu doanh nghiệp nhỏ và yếu thì phải đề ra phương án phòng thủ, nương theo những doanh nghiệp lớn để tạm thời sống sót qua cơn khủng hoảng”.
Chúng ta có bao giờ đặt ra câu hỏi, Vì sao nguồn nhân lực Việt Nam dồi dào, được đào tạo chất lượng, bối cảnh kinh tế siêu cạnh tranh , được nhiều chuyên gia dự báo là một “ngôi sao đang lên” trong khu vực, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các thị trường cùng khu vực như Thái Lan hay Singapore? Câu trả lời là do khác biệt về tư duy, tư duy chiếm 80% sự thành bại, người có tư duy chiến lược nhìn thế giới như một mạng lưới liên kết các ý tưởng và con người với nhau, đồng thời cũng tìm thấy cơ hội để phát triển quyền lợi của mình tại các điểm kết nối. Người có tư duy chiến lược là người hành động và chấp nhận rủi ro còn hơn là trì hoãn hoặc không làm gì cả. Điều gì tạo nên cá nhân thành công? Để đạt mục tiêu 2020 có 1 triệu DN hoạt động thì chúng ta phải phấn đấu có thêm gần 300.000 DN hoạt động (khoảng 450.000 DN đăng ký); để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu DN hoạt động thì cần có thêm 800.000 DN hoạt động (1,2 triệu DN đăng ký) và để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu DN hoạt động thì cần có thêm 1,3 triệu DN hoạt động (gần 2 triệu DN đăng ký). Đây là mục tiêu hết sức khó khăn nếu căn cứ vào tốc độ phát triển DN hiện nay (khoảng 9-10%/năm đối với DN hoạt động).
Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa số lượng DN đăng kí kinh doanh và hoạt động thực tế là khá cao và nhiều DN phải giải thể dù mới chỉ hoạt động thời gian ngắn. Riêng dịch Covid-19, chỉ trong 3 tháng đã khiến 34.900 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể. Hiện chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục tập trung vào việc đi làm thuê, chưa đẩy mạnh việc đào tạo những người làm kinh doanh, mà khi khủng hoảng xảy ra, kéo theo hệ quả là hàng triệu người lao động bị mất việc, đây là lúc cần đến những nguồn thu nhập thụ động. Chính vì thế, như đã đề cập, việc quan trọng nhất mà người kinh doanh hiện nay cần làm là thay đổi tư duy theo xu hướng 4.0, tăng hiệu suất làm việc, rèn luyện tư duy bản năng, tư duy kinh nghiệm, tư duy người làm chủ, học cách kinh doanh trên nền tảng số, tham gia các mạng lưới, chuyển đổi số hóa để từ đó chủ động tạo ra những nguồn thu nhập thụ động an toàn cho chính mình. Và khi mỗi cá nhân thành công thì tạo nên một doanh nghiệp thành công và kiến tạo nền kinh tế phát triển. * Bài viết dựa trên quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hoàn - TGĐ VABIZ, Cố vấn Chiến lược cho Tổ chức Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Học viện Phát triển Doanh Nhân
Theo Phong Cách Doanh Nhân
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN