banner chinh

Thực trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay


Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, các hoạt động logistics từ sản xuất đến tiêu dùng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và dịch vụ và đối với toàn bộ nền kinh tế.

Việt Nam là một trong bốn quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng lớn để phát triển cả cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics. Hoạt động logistics kết nối chặt chẽ và ngày càng hiệu quả thể hiện ở thời gian giao nhận, tốc độ thông quan, độ sẵn sàng trong giao hàng ngày càng yêu cầu một hệ thống nguồn nhân lực có trình độ cao và chất lượng nhằm đáp ứng một cuộc đua trong logistics nói chung và logistics cho hệ thống thương mại điện tử nói riêng.

Tại Việt nam, nguồn nhân lực cung cấp cho logistics cũng đang được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu, báo cáo do nhận thấy có những “vấn đề” trong quá trình phát triển.  Nguồn nhân lực logistics Việt Nam đang được xem là một trong những vấn đề nan giải  của nước ta hiện nay. Điều này, đòi hỏi những chiến lược cụ thể hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành quan trọng này trong chuỗi dịch vụ toàn cầu.

1. Thực trạng nhân lực Logistics ở Việt Nam

Nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo tại diễn đàn logistics mới nhất năm 2022 tại Hải Phòng, tại một chuyên đề sâu, thì theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam, có từ 60% - 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp, và chưa đáp ứng được nhu cầu nội tại và đều phải được đào tạo lại hoặc đào tạo thêm

Một báo cáo năm 2019 của tổ chức Australian Aid cũng chỉ ra rằng, mặc dù các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.

Trong đó, 37,1% doanh nghiệp tập trung vào việc tự đào tạo, 29,9% doanh nghiệp cử nhân viên đào tạo ngắn hạn dưới 4 tuần, 3,1% doanh nghiệp cử nhân viên đi học thạc sỹ trong nước và chỉ có 1% cử nhân viên đi học nước ngoài. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc đào tạo nhân lực logistics cho hệ thống doanh nghiệp tại Việt nam .

Nhân lực ngành logistics Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, khi chỉ có khả năng đáp ứng khoảng dưới 20% nhu cầu của thị trường với chất lượng không cao, chưa đạt được các tiêu chuẩn và các vị trí đều phải được đào tạo thêm, mất thêm thời gian và không sẵn sàng ngay cho các công việc được giao.

l.png

Phát triển nguồn nhân lực để ngành logistics phát triển bền vững

Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng  gần 20% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng do việc lựa chọn nhân lực trái ngành nghề về hướng dẫn đào tạo nội bộ.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngoài khó khăn về vốn, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.

Nhân lực logistics ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy, có đến 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% DN phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% DN hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Việc nhân sự logistics cho phần dịch vụ quốc tế còn yếu và sức cạnh tranh không cao, nó bao gồm cả về các vấn đề về khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn và các kỹ năng mềm khác.

Do đó có thể khẳng định đây là một thực tế khá đáng buồn cho ngành kinh doanh dịch vụ logistics, một ngành được đánh giá là hot và có mức thu nhập khá cao trong một nền kinh tế ngày càng hội nhập và kết nối. Một thực trạng mà cần nhanh chóng được thay đổi.

2. Mối lo về nguồn nhân lực Logistics ở Việt Nam

Logistics Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt chính là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Đây là các khẳng định được nhắc đi nhắc lại kể từ khi ngành nghề logistics trở thành một ngành riêng biệt và được đánh giá là đóng góp lớn và GDP quốc gia.

Nguồn nhân lực chính là vấn đề nan giải nhất của ngành logistic hiện nay, bởi do phát triển nóng nên nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu, vừa yếu. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Sự lo lắng thể hiện qua việc nhu cầu tuyển dụng rất lớn, cạnh tranh trong việc tuyển dụng và kể cả các dịch vụ head hunter để tìm kiếm các ứng viên vào vị trí key của doanh nghiệp. Nhu cầu liên tục nhưng vẫn không tuyển dụng được hoặc đào thải nhanh do không đáp ứng được các tiêu chí. Các doanh nghiệp logistics khối ngoại với mức lương thưởng hấp dẫn đang hút nguồn nhân lực khiến cho cạnh tranh trong ngành logistics vốn đã lớn lại cạnh tranh hơn trong việc tuyển dụng.

Đội ngũ nhân lực logistics tại Việt Nam còn thiếu và yếu, không theo kịp sự phát triển “nóng” của ngành dịch vụ quan trọng này.

t.png

Thực trạng đào tạo nhân lực Logistics

Các số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20-25%.

Nếu tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực của nước ta giữ ở mức 7,5%/năm trong giai đoạn 2016-2030, thì có khoảng 117.532 người sẽ cần được đào tạo. Nếu chúng ta tính lực lượng lao động tại các công ty vận chuyển, đường bộ, đường biển, đường hàng không, cảng và nhà ga vận chuyển hàng hóa thì có khoảng 200 công ty. Mỗi công ty có trung bình 400 người với tỷ lệ đào tạo 50% và tốc độ tăng trưởng 5% mỗi năm. Do đó, ít nhất 100.000 người nữa sẽ cần được đào tạo trong 15 năm tới.

Số lượng thì như vậy nhưng chất lượng được đào tạo đầu ra chưa cao, hoặc chất lượng nhân sự làm trong nghề vẫn còn những điểm yếu kém khiến cho chất lượng nhân sự nói chung không cao. Điều này phát sinh do nhiều yếu tố từ việc đào tạo trong nhà trường hoặc các cơ sở đào tạo chuyên môn chưa tốt, không thực tế và sát với công việc, cũng như tính chất ngành nghề dễ nhảy việc và không thích hợp cho các đối tượng không có sự kiên trì đối với nghề nghiệp. Đặc thù nghề nghiệp của logistics cần phải được tích luỹ qua sự trải nghiệm và cần thời gian tối thiếu 2 đến 3 năm để có thể được đánh giá là đạt tiêu chuẩn cơ sở.

Với thực tế đó, nhu cầu liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau sẽ giúp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Phát triển nhân lực logistics đang là nhu cầu tất yếu, cấp bách để cùng đóng góp cho sự phát triển ngành logistics tiến nhanh, tiến mạnh theo đúng định hướng của Chính phủ.

3. Chiến lược đột phá để nâng cao chất lượng nhân sự ngành Logistics

Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tận dụng ưu thế địa kinh tế,  tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước thì nước ta cần những giải pháp phù hợp hơn nữa. Các cấp quản lý, nhà trường, doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho logistics bằng cách cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập…

Cần có định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nhằm thích ứng trước những biến động và rủi ro. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, để từ đó hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Việt Nam cần mở rộng chuyên ngành logistics tại các trường đại học, với các chuyên ngành hoặc chuyên ngành liên quan như: Luật, Tài chính, Ngoại thương, Kinh tế và Thương mại... các cơ sở đào tạo chuyên về logistics cũng cần sớm được thành lập. Việc chuẩn hoá hệ thống giáo trình , tư liệu, tài liệu tham khảo cùng những hoạt động thực tế kết hợp nâng cao hiệu qủa đào tạo, tránh học vẹt, qua loa đại khái, mất đi nền tảng nghề nghiệp cơ bản.. Phối hợp và chia sẻ các nguồn lực, cơ sở vật chất, trung tâm nghiên cứu nhằm sử dụng hiệu quả và đầu tư có chiều sâu, không dàn trải và tránh các lãng phí

Sinh viên cần được cung cấp các kiến thức chuyên sâu về logistics, quản lý nhân sự, luật giao thông vận tải, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hệ thống phân phối, giao nhận hàng hóa, kho bãi, khai thác vận tải đa phương thức và tiếng Anh chuyên ngành.

Các hệ thống liên kết với nước ngoài như các nước có ngành logistics phát triển nhằm giao lưu học hỏi và tìm kiếm liên kết trong việc đào tạo và cập nhật xu thế, tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, đào tạo nội bộ thậm chí kể cả văn hoá doanh nghiệp và các triết lý kinh doanh logistics hiệu quả..

Đào tạo công nghệ và ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics, e logistics và logistics xanh nhằm định hướng và thúc đẩy các khát vọng xây dựng doanh nghiệp logistics tiên tiến hiện đại và phát triển hài hoà, có các động lực cho sự sáng tạo, cho các phát minh mới, ứng dụng mới .. không chỉ dừng lại ở các hoạt động logistics thủ công, thuần tuý.

Vai trò của Hiệp hội logistics trong việc tổng hợp, thống kê, nghiên cứu, đào tạo và kết nối với các hệ thống tiên tiến nước ngoài, các quỹ hỗ trợ đào tạo phát triển cần được đẩy mạnh, xứng đáng là một hiệp hội lớn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành và của nền kinh tế.

Giải pháp đột phá nhất vẫn là hệ thống hoá quy trình đào tạo, chuẩn hoá tài liệu, cập nhật nội dung, gắn với thực tiễn, đào tạo chất lượng và giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo, phối hợp tiêu chuẩn quốc tế, chứng chỉ được quốc tế công nhận, nhiều hoạt động nghiên cứu, phản biện cũng như các kế hoạch tổng thể nhằm nâng cao chuẩn đào tạo, mức độ khó của tài liệu, hệ thống chấm điểm mang tính chuyên nghiệp cao..

Untitled.png

4. Bức tranh tương lai về nghề nghiệp logistics

Thực tế cho thấy, sự khác biệt về mục tiêu thực tập và nhận thực tập chính là rào cản lớn trong việc tổ chức thực hiện thực tập tại doanh nghiệp. Qua phản ánh từ các doanh nghiệp, phần lớn sinh viên khi đến đề nghị được thực tập đều rất quan tâm việc doanh nghiệp có sẵn sàng cung cấp số liệu thực tế để sinh viên đưa vào báo cáo thực tập hay không, vì đây là một yêu cầu rất quan trọng từ phía cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo việc sinh viên có tiếp cận thực tế doanh nghiệp. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, mặc dù rất sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập, nhưng vì bí mật kinh doanh, việc cung cấpsố liệu thực tế sẽ phải hạn chế, nênđây chính là rào cản của doanh nghiệp trong khi hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, với bối cảnh hơn 90% doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, việc cho chính nhân sự trực tiếp hướng dẫn sinh viên theo quy trình bài bản sẽ thực sự gây ra áp lực công việc cho chính nhân sự hướng dẫn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp thậm chí có xây dựng kế hoạch tiếp nhận thực tập và bố trí nhân sự phụ trách công tác thực tập. Kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 12% trên tổng số trả lời cho biết không gặp khó khăn gì khi tiếp nhận sinh viên thực tập tại doanh nghiệp mình.

Trong khi khát nguồn nhân lực thì việc tiếp nhận nhân sự trái ngành và đào tạo thêm hiện tại đang rất phổ biến, một phần vì hệ thống kiến thức được đào tạo không đáp ứng được công việc thực tế thì các kĩ năng mềm khi phỏng vấn lại là một yếu tố rất quan trọng cho một ngành nghề mang tính chất dịch vụ của logistics.

5. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Logistics ở Việt Nam

5.1. Công tác tuyển dụng

Để nâng cao tính hiệu quả trong công tác tuyển dụng nhân sự, việc cần làm ngay là phải có những dự báo phù hợp về xu hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics, xác định nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp cho doanh nghiệp logistics đánh giá được tình hình nhân sự trong doanh nghiệp mà còn giúp các cơ sở đào tạo có căn cứ tuyển sinh và đào tạo sinh viên đáp ứng được thị trường lao dộng. Để đạt được kết quả khả quan, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải có mối quan hệ hợp tác chính thống, được thừa nhận, gắn chặt quyền lợi và trách nhiệm của hai bên trong việc xác định các chương trình hợp tác giữa hai bên, vấn đề hướng nghiệp cho sinh viên, cam kết hỗ trợ thực tập và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp của doanh nghiệp. Ngược lại, cơ sở giáo dục cũng phải đảm bảo tỷ lệ thời gian doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo trong nhà trường, góp phần giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại của doanh nghiệp khi tuyển dụng.

5.2. Công tác đào tạo

Thực tế cho thấy, Chính phủ và Nhà nước rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics, thể hiện qua ban hành các chính sách. Trong đó, nổi bật là Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ “đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” chú trọng vào đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc Đại học, nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên về logistics và kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài. Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 đã ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, trong đó có mã ngành đào tạo logistics. Thông tư số 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 03 năm 2017.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn lực đào tạo còn thiếu (đội ngũ giảng viên tại các trường, nhân sự hướng dẫn thực tập tại doanh nghiệp) và chỉ tập trung ở các thành phố lớn, trong khi nhu cầu được học tập và đào tạo phổ biến trên địa bàn cả nước. Do đó, rất cần có sự quan tâm của Nhà nước nhằm đầu tư xây dựng nền tảng trực tuyến đào tạo logistics (E-platform) là nơi chia sẻ tài liệu học tập, giảng dạy, mạng lưới kết nối giảng viên và người học, e-learning, kết nối cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tuyển dụng theo đúng xu thế của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy).

5.3. Giữ chân nguồn nhân lực logistics

Giải pháp về duy trì nguồn nhân lực logistics gắn liền với vấn đề lương thưởng và chế độ đãi ngộ nhân viên. Theo đó, doanh nghiệp cần tăng mức lương tối thiểu theo giá thị trường và tham khảo theo quy định của Nhà nước theo số năm cống hiến và kinh nghiệm làm việc của nhân viên. Song song đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các phúc lợi tốt nhất cho các nhân viên theo Luật Lao động. Việc xét tăng luơng hàng năm nên tiến hành theo kết quả kinh doanh và KPI của nhân viên cũng như duy trì thưởng tháng lương thứ 13. Việc thưởng kịp thời theo tháng, quý, hoặc những kết quả khác qua năng suất làm việc và các sáng kiến - giải pháp làm lợi cho doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự hứng khởi làm việc và sáng tạo của nhân viên.

5.4. Cải thiện năng lực của nhân lực logistics trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Để cải thiện năng lực của nhân lực logistics trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn:

Một là, nhà trường ký kết hợp đồng chiến lược với các doanh nghiệp logistics để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc bởi đòi hỏi sự đổi mới trong công tác đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Hai là, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí biến mất của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm.

Ba là, sự kết hợp của 3 “Nhà”: Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 cần dựa trên nguyên tắc trách nhiệm - chia sẻ cùng phát triển bình đẳng và bền vững.

Bốn là, nâng cao nhận thức của xã hội về đào tạo nghề, một trong những giải pháp then chốt là công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp nhằm thay đổi nhận thức xã hội tạo sức hút, sức hấp dẫn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Năm là, người học phải chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp và tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ.

BÌNH LUẬN