Hoạch định tài chính cá nhân giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Qua hơn 36 năm từ dấu mốc Đổi mới 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người là 100 USD (năm 1986) đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người là 3,521 USD (năm 2020). Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Đi liền với sự tăng trưởng kinh tế đó, tỷ lệ hộ nghèo tại nước ta giảm một mạch từ 58.1% (năm 1993) chỉ còn 4.4% (năm 2021). Đây thực sự là sự nỗ lực lớn không chỉ trong công tác điều hành của Chính phủ mà còn ở chính sự nỗ lực của mỗi công dân Việt Nam luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công to lớn, có một thực tế đáng lo ngại cần phải chú ý, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của nước ta đang có xu hướng chậm dần.
Tại Diễn đàn Chính sách tài khóa và phát triển 2022, vừa tổ chức tại Hà Nội, PGS TS. Phạm Thế Anh cho biết tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 1991-2021 có xu hướng giảm dần. Mười năm đầu của thời kỳ này tăng trưởng bình quân 7,6%/năm, mười năm tiếp theo giảm xuống mức 6,6% và mười năm gần nhất chỉ còn ở mức 5,6%. Điều này gây ra những quan ngại lớn vì Việt Nam ta đang phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”. Việc suy giảm tốc độ tăng trưởng đặt ra bài toán cho không chỉ các bộ ban ngành mà còn đặt ra chính bài toán cho từng cá nhân người dân Việt Nam.
Nguyên nhân và bản chất
Có nhiều vấn đề còn tồn tại tác động tới thực trạng này, tuy nhiên có ba trụ cột chính yếu kinh điển quyết định đến tăng trưởng của một quốc gia được đưa ra trong định nghĩa về hàm sản xuất của Cobb Douglas đó là: Gia tăng vốn đầu tư phát triển; Gia tăng số lượng lao động đang làm việc; và gia tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP – Total Factor Productivity)
Nhà kinh tế Robert Solow, người đoạt giải Nobel vào năm 1987, đã đưa ra khái niệm về TFP – năng suất các nhân tố tổng hợp, cho rằng việc tăng thâm dụng vốn và lao động đến một mức nào đó sẽ gây ra tính phi kinh tế theo quy mô khiến càng thâm dụng càng giảm hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực. Theo đó, khi một nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng đến một mức nào đó, khi quy mô sử dụng vốn và số lượng lao động đạt đến giới hạn thì sự tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng năng suất của các nhân tố tổng hợp TFP. Chính trong Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 cũng xác định mục tiêu đến năm 2025: “Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP”
Cùng nghiên cứu lại một chút về TFP để thấy rằng thực sự chúng ta có thêm những hướng nào để nâng cao hiệu suất của TFP. Các nhân tố tổng hợp TFP bao gồm: đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của người lao động,.. Ở đây chúng ta có thể thấy dù có nhiều cấu phần cấu thành nên TFP và được gọi với nhiều cái tên khác nhau, nhưng bản chất các cấu phần này vẫn xoay quanh vấn đề con người – đó là người lao động.
Yếu tố Nâng cao trình độ lao động, đó là yếu tố liên quan đến con người. Yếu tố Hợp lý hóa sản xuất và Cải tiến quản lý bản chất xoay quanh khả năng làm việc nhóm, quy trình phối hợp và phân công lao động giữa… con người.
Yếu tố Đổi mới công nghệ - đây là yếu tố tưởng chừng như không có sự liên quan đến con người, vì nó nghe giống như một phát minh về công nghệ. Nhưng cuối cùng, nó vẫn phải nằm ở sự sáng tạo và tìm tòi của lực lượng lao động trong ngành nghiên cứu. Cho dù, tỷ lệ tái đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực chính phủ cho việc nghiên cứu phát triển công nghệ có nhiều đến thế nào, nhưng nếu chính năng suất con người của lực lượng nghiên cứu không nâng cao được, thì đó vẫn là một trường hợp thâm dụng vốn vô ích khác.
Cuối cùng, để nâng cao năng suất vấn đề vẫn nằm ở con người – con người từ muôn đời nay vẫn là nhân tố quyết định cuối cùng đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc thúc đẩy, khuyến khích từng cá nhân người lao động tìm tòi, sáng tạọ để cùng chung tay phát triển nền kinh tế năng suất cao, đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế tri thức, tiến tới mục tiêu thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhưng các cụ ta đã có câu: “Có thực mới vực được Đạo”. Để mỗi cá nhân, từng người lao động có thể trở thành hạt nhân của nền kinh tế tri thức thì chính đời sống của họ cần phải “an cư”, thì tâm trí mới tập trung để “lạc nghiệp”. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân nếu có nền tảng tài chính cá nhân yếu, thì trong đầu họ chỉ xoay quanh những lo lắng về tiền bạc, về các mối lo cơm áo gạo tiền, về sự căng thẳng trong quan hệ gia đình bị ảnh hưởng bởi tiền bạc. Khi đó, sẽ triệt tiêu toàn bộ sự sáng tạo và tinh thần học hỏi, nghiên cứu, từ đó làm suy giảm năng suất.
Về vấn đề này, các chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã có nghiên cứu trong báo cáo “Do Financial Concerns Make Workers Less Productive?” ra mắt vào tháng 5/2022. Trong báo cáo này, các chuyên gia từ MIT đã tiến hành thực nghiệm trên một nhóm 4,000 người lao động tại Odisha, Ấn Độ - những người làm việc trong ngành sản xuất và được trả lương tính theo đơn vị sản phẩm họ làm ra. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học của MIT nghiên cứu việc trả lương tác động như thế nào đến năng suất của những người lao động này. Một số người lao động được trả lương sớm hơn và nhận được tiền mặt trong khi những người khác vẫn bị chậm thanh toán.
Kết quả là đối với những người lao động được trả lương đúng, đều đặn, khiến họ thanh toán được các chi phí cho gia đình, giúp họ ít căng thẳng hơn và trực tiếp làm tăng 7% mức sản lượng hàng hóa mà họ sản xuất ra. Không chỉ có thế, đối với người lao động có thu nhập thấp hơn, thì việc được thanh toán lương đúng, đầy đủ giúp họ tăng 13% sản lượng. Trong báo cáo này không chỉ nghiên cứu riêng về mức sản lượng, mà việc được thanh toán lương đúng đầy đủ khiến mức độ tập trung, sự tỉ mỉ trong sản xuất hàng hóa của những người lao động này được tăng lên.
Mở rộng vấn đề, không chỉ là tốc độ và tần suất trả lương nhanh hay chậm. Động lực ẩn sau việc nhận lương đúng thời hạn, đó là các vấn đề về chi tiêu thiết yếu, thanh toán các khoản nợ, chi phí chăm sóc sức khỏe của người lao động. Việc họ có tiền để xử lý các nhu cầu tài chính cá nhân của bản thân và gia đình một cách đầy đủ sẽ tác động thẳng vào tinh thần làm việc, mức độ tập trung, tỉ mỉ và sáng tạo của họ, từ đó tạo ra kết quả gia tăng sản lượng cũng như nâng cao chất lượng làm việc.
Qua báo cáo thực nghiệm này, chúng ta có thể thấy các nhà khoa học tại MIT đã gợi ý một hướng xử lý rất hay để biến những hạt nhân kinh tế vi mô (người lao động) trở thành nhân tố thúc đẩy năng suất cao, tạo tiền đề cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô: đó chính là Chăm sóc và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về Tài chính cá nhân của lực lượng lao động. Hay nói một cách chính xác hơn đó chính là công tác Hoạch định tài chính cá nhân cho người lao động, trực tiếp giúp ổn định an sinh xã hội và gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hoạch định Tài chính cá nhân là gì?
Hoạch định Tài chính cá nhân, tiếng Anh là Personal Financial Planning, không phải là một vấn đề mới mà trên thế giới các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Anh hay các quốc gia đang phát triển như Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia… đều đã triển khai rất mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Hoạch định tài chính cá nhân là một quá trình giúp một cá nhân thiết lập các chiến lược về kế hoạch tài chính để đạt được các mục tiêu trong cuộc sống của mình.
Ví dụ, một gia đình trẻ chuẩn bị có con sẽ rất quan tâm đến việc quản lý thu chi để nuôi con một cách tốt nhất. Họ cũng sẽ rất quan tâm đến sự an toàn tài chính của gia đình để chẳng may gặp rủi ro ốm đau, bệnh tật thì gia đình sẽ có quỹ tiền để tiếp tục nuôi con, từ đây các gia đình trẻ sẽ hiểu về vai trò cực kỳ quan trọng của bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm sức khỏe. Không chỉ có thế, khi đã ổn định an toàn tài chính, người trẻ sẽ quan tâm đến các kế hoạch đầu tư để gia tăng tài sản, nhằm đáp ứng các nhu cầu tương lai như kế hoạch Nghỉ hưu an nhàn, trong bối cảnh mà tiền lương hưu Bảo hiểm xã hội rất khó để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu, chăm sóc sức khỏe khi họ về già.
Với những hộ gia đình trẻ thì việc chưa tích lũy được nhiều nhưng vẫn cần có một căn nhà để an cư lạc nghiệp cũng sẽ yêu cầu họ cần lập kế hoạch Mua ngôi nhà đầu tiên. Việc mua tài sản lớn trị giá hàng tỷ đồng trong khi chưa có nhiều tài sản tích lũy có thể sẽ yêu cầu các cặp vợ chồng trẻ vay tín dụng tại các ngân hàng. Đây cũng là hoạt động đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ về tỷ lệ chi trả nợ vay, chiến lược tối ưu nợ trong bối cảnh lãi suất luôn thay đổi và lưu ý để tránh bị rơi vào bẫy tín dụng đen.
Có thể nói với cấu trúc dân số hiện tại vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam lên đến 57 triệu người vào năm 2030, mở ra nhiều kỳ vọng lạc quan cho thị trường lao động cũng như sự phát triển của ngành tiêu dùng bán lẻ, thị trường tài chính. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ khi kiến tạo nên một thế hệ tiêu dùng và ngập trong nợ như tại Hàn Quốc, hay tránh đi vào vết xe đổ của khủng hoảng nợ Bất động sản dưới chuẩn tại Mỹ năm 2008, hoặc chính là để tránh khỏi một cuộc khủng hoảng niềm tin về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu tại chính Việt Nam chúng ta từ giờ cho đến mãi về sau, chúng ta rất cần Hoạch định tài chính cá nhân cho người Việt.
Việc Hoạch định tài chính cá nhân vừa là một hình thức dịch vụ để giúp các cá nhân, các hộ gia đình thiết lập một cách toàn diện tất cả các kế hoạch liên quan đến quản lý thu chi, quản lý tín dụng tiêu dùng, kế hoạch đầu tư, kế hoạch hưu trí, kế hoạch quản trị rủi ro bằng Bảo hiểm, kế hoạch mua tài sản lớn như bất động sản… Việc tư vấn riêng lẻ từng sản phẩm sẽ dễ dẫn đến xung đột lợi ích của lực lượng người làm tư vấn và khách hàng sử dụng dịch vụ.
Khi chúng ta đã thấy quá nhiều hệ lụy tiêu cực từ việc phát triển các hoạt động tư vấn sản phẩm riêng lẻ như vậy trên thị trường tài chính Việt Nam với hàng loạt các sự kiện lừa đảo chứng khoán, tư vấn tiếp tay với khách hàng để trục lợi bảo hiểm. Hay việc các tư vấn viên khuyến nghị mua trái phiếu riêng lẻ đầy rủi ro cho các khách hàng trong độ tuổi nghỉ hưu – một độ tuổi chỉ nên đầu tư vào các công cụ tài chính trả lãi cố định nhưng xếp hạng tín nhiệm cao. Việc này gây ra sự bất ổn trong công tác an sinh xã hội, và nếu để tiếp diễn lâu dài sẽ khiến người dân trở nên bất an, trực tiếp đẩy nhiều hộ gia đình vào tình trạng “nghèo đói” vì đã thất thoát hết gần như toàn bộ tài sản.
Việc tư vấn sản phẩm riêng lẻ, và người tư vấn nhận phí hoa hồng từ việc bán trái phiếu, bán cổ phiếu, bán bảo hiểm, bán sản phẩm của ngân hàng… rất dễ khiến sự tư vấn bị lệch lạc khỏi các tiêu chuẩn đạo đức hành nghề. Gây ra sự thất thoát tài sản, sự bất ổn trong tài chính cá nhân của từng khách hàng, từng hộ gia đình. Và như chúng ta đã biết trong nghiên cứu của nhóm chuyên gia khoa học tại MIT, việc bất an về tài chính của gia đình, sẽ giảm năng suất của người lao động, gián tiếp tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Ngoài ra, một khi đã trải qua nhiều lần có thể coi là “mắc lừa”, niềm tin của nhà đầu tư, của người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam vào các công cụ của thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu,… sẽ suy giảm nghiêm trọng dẫn đến việc khó đảm bảo một thị trường vốn khỏe mạnh. Như chúng ta đã biết sự gia tăng của vốn trong đầu tư phát triển toàn xã hội gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân. Một thị trường vốn yếu sẽ không thể là kênh trung gian luân chuyển vốn từ người dân đến các doanh nghiệp và câu chuyện phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng vẫn là một bài toán không hồi kết.
Với tất cả những lý do đó, Hoạch định tài chính cá nhân không chỉ giúp từng cá nhân, hộ gia đình tại Việt Nam nâng cao dân trí tài chính, tự bảo vệ an toàn tài chính và phát triển tương lai tài chính thịnh vượng. Mà nó còn đóng vai trò cực kỳ lớn trong việc giúp chính phủ đảm bảo an sinh xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi gia đình khi có một bản kế hoạch chi tiết, rõ ràng và cụ thể về tương lai tài chính của gia đình, sẽ biết chính xác mình cần đầu tư như thế nào, cần tiết kiệm bao nhiêu, có nên vay nợ hay không, nên tích lũy bao nhiêu để không túng thiếu khi lương hưu bảo hiểm xã hội không đủ chi tiêu.
Và hơn hết, khi nâng cao dân trí tài chính, mọi cá nhân và gia đình đều tự bảo vệ mình được trước các mánh khóe lừa đảo, các thủ đoạn “Ponzi”. Thực sự cuộc sống của người dân sẽ là “an cư” để yên tâm cống hiến, yên tâm nghiên cứu, sáng tạo để “lạc nghiệp”. Từ đó, không chỉ là ấm no, hạnh phúc cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà toàn thể người dân sẽ có thể tăng gia năng suất, tăng trưởng sáng tạo và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững theo chiều sâu cho đất nước trong dài hạn.
Ngày xuân, nhân dịp nhớ về quyết định táo bạo của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 để đổi mới kinh tế, phát triển đất nước, chúng ta hãy có cách nhìn mới và thực hiện những nước đi táo bạo một lần nữa. Để phát huy truyền thống của các bậc tiền nhân, một lần nữa đưa Việt Nam đổi mới, để trong tương lai không chỉ là phát triển kinh tế về bề rộng mà chính cả bề sâu về chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống người dân, chất lượng an sinh xã hội đều được nâng cao.
Theo vietnamfinance
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN