Du lịch Quảng Ninh 2023: Kỳ vọng lớn, giải pháp mạnh
Năm 2023, ngành du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách, doanh thu 32.400 tỷ đồng. Với kỳ vọng này, du lịch Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp mạnh nhằm thu hút du khách.
Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng du lịch phong phú, đặc sắc
Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh (quangninh.gov.vn), năm 2022, du lịch trên địa bàn phục hồi mạnh mẽ khi đón được 11,6 triệu lượt khách (kế hoạch đầu năm đón 9,5 triệu lượt). Tổng doanh thu du lịch đạt ước đạt 25.172 tỷ đồng.
Từ sự phục hồi khá mạnh nói trên, năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách, doanh thu 32.400 tỷ đồng. Trong đó, quý I đón khoảng 4,55 triệu lượt khách, quý II đón 3,65 triệu lượt, quý III đón 4,35 triệu lượt, quý IV đón 2,45 triệu lượt.
Bên cạnh đó, các địa phương đặt mục tiêu đón lượng khách lớn. Cụ thể, TP. Hạ Long dự kiến đón 8,5 triệu lượt khách, TP. Móng Cái đón hơn 1,5 triệu lượt, TP. Uông Bí đón 2,3 triệu lượt, huyện Vân Đồn đón 1,3 triệu lượt du khách, thị xã Đông Triều đón 800.000 lượt khách, Bình Liêu đón 80.000 lượt…
Để mục tiêu lớn này thành hiện thực, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra những giải pháp khả thi.
Theo đó, năm 2023, Quảng Ninh "coi du lịch nội tỉnh, nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển bền vững, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách quốc tế".
Từ quan điểm cốt lõi nói trên, các ngành, địa phương và doanh nghiệp tỉnh đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp thu hút khách du lịch.
TP. Hạ Long đang gấp rút triển khai việc tu sửa nhằm khai thác tuyến tham quan núi Bài Thơ gắn với các di tích, điểm tham quan chùa Long Tiên, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, nhà chờ phà, cụm Ba Đèo, nhà thờ Hòn Gai, chợ Hạ Long I. Bên cạnh đó, Thành phố thiết lập tuyến, kết nối các điểm tham quan liên thông giữa vịnh Hạ Long với khu vực núi, rừng; phương án xây dựng tuyến phố đêm, phố đi bộ; phát huy tối đa lợi thế, tài nguyên du lịch gắn với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái…
Trong năm 2023, thị xã Đông Triều lên kế hoạch tổ chức 20 sự kiện gắn với du lịch xuyên suốt năm với nhiều hoạt động đặc sắc như Lễ hội chùa Quỳnh, lễ hội đền An Sinh, Hội chợ thương mại OCOP Đông Triều, chuỗi sự kiện: Hành trình về miền di sản - Thánh địa thiền phái Trúc Lâm… cùng khoảng 10 giải thi đấu thể thao lớn…
Cùng với các địa phương, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết trong xây dựng các sản phẩm độc đáo, với mức chi tiêu cao.
Trong đó, các doanh nghiệp khai thác tối đa hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn, phù hợp với thị trường có nhu cầu du lịch golf cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Có doanh nghiệp (Khách sạn Best Western Premier) chú trọng dịch vụ khám phá ẩm thực nhà hàng, ngắm hoàng hôn, bình minh trên vịnh Hạ Long ngay trong chính khách sạn. Đồng thời, chủ động kết nối với các đơn vị lữ hành, đưa khách đến nghỉ dưỡng tại Hạ Long. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều chương trình combo giảm giá hấp dẫn theo từng thời điểm (các dịp lễ, tết…) để thu hút du khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, ngay từ đầu năm nay, ngành du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu hoạt động du lịch nội tỉnh, nội địa; nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của các địa phương, các doanh nghiệp. Đồng thời chủ động tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh
Cũng trong năm nay, ngành tổ chức thực hiện một số đề án trọng tâm, như: Đề án thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch; phương án thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng cái; Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn; Đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô.
Trong phát triển du lịch, tỉnh chú trọng liên kết (giữa ngành du lịch với ngành lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước) trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cáo cấp đặc sắc.
Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh.
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN