Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 2/2, top 10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VEIL có 3 ngân hàng ACB, VPBank (VPB), Vietcombank (VCB) và 7 doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa gồm Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), Thế Giới Di Động (MWG), Becamex IDC (BCM), PV Gas (GAS), FPT, PNJ.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL tại ngày 2/2
5 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VEIL là ACB, VPB, MWG, HPG, VCB đều có giá trị trên 100 triệu USD. Trong đó, chỉ 2 cái tên chiếm tỷ trọng trên 10% NAV của quỹ là ACB và VPB. Đây cũng là 2 cổ phiếu mà VEIL nắm giữ với khối lượng lớn nhất, theo sau là HPG với hơn 144 triệu đơn vị.
Ngoài top 10, VEIL còn phân bổ khoảng 31,6% NAV tương ứng giá trị khoảng 550 triệu USD vào rất nhiều cổ phiếu khác. Đa phần trong số đó có cổ đông lớn là nhóm các quỹ ngoại được quản lý bởi Dragon Capital, đáng chú ý có thể kể đến DXG với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 20%, PVD (11%), STB (6%), KBC (6%), KDH (9%), DGC (7%), FRT (8%), DPM (8,9%), DCM (5,2%), VHC (8%), ...
Bên cạnh VEIL, Dragon Capital còn đang quản lý các quỹ ủy thác có quy mô hàng trăm triệu USD như CTBC Vietnam Equity Fund, Norges Bank, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Hanoi Investment Holdings Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Amersham Industries Limited, Wareham Group Limited, Grinling International Limited, Saigon Investment Limited.
Ngoài ra, thông qua pháp nhân nội CTCP QLQ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), Dragon Capital còn đang quản lý nhiều quỹ cổ phiếu, trái phiếu, hỗn hợp, định lượng và ETF như DCDS, DCBC, DCBF, DCIP, VFMVFA, VFMVSF, DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF, DCVFM VNMidcap ETF... Trong đó, riêng 3 ETF đã có tổng NAV lên đến 27.500 tỷ đồng (~1,2 tỷ USD).
Như vậy, khối tài sản được Dragon Capital quản lý và tư vấn đầu tư ước tính có thể lên đến hơn 4 tỷ USD, lớn nhất trong các công ty quản lý quỹ đang hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2023 đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội
Trong bối cảnh thị trường biến động không thuận lợi năm 2022, hầu hết các quỹ đầu tư lớn đều lỗ nặng, thậm chí tệ hơn mức giảm của VN-Index và các thành viên do Dragon Capital quản lý cũng không ngoại lệ. Năm 2022, DCVFM VNDiamond ETF là cái tên ghi nhận hiệu suất khả quan nhất cũng có hiệu suất âm gần 21% trong khi DCVFM VN30 ETF, VEIL và DCDS đều lỗ đều lỗ trên 30%.
Tuy nhiên, nhờ động lực từ khối ngoại, thị trường đã có bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ nửa cuối của tháng 11 năm ngoái sau khi xuống đáy 2 năm. Bước sang năm 2023, thị trường vẫn duy trì diễn biến tương đối khả quan và tiếp tục hồi phục mạnh ngay trong tháng 1. VN-Index tăng 10% trong khi VN30-Index tăng đến 11,9% sau tháng đầu năm cùng hàng loạt cổ phiếu bứt phá mạnh. Các quỹ thuộc Dragon Capital quản lý cũng đã “dễ thở” hơn trong tháng đầu năm.
Với trạng thái gần như “full” cổ phiếu, với VEIL ghi nhận hiệu suất gần 11% khả quan hơn so với VN-Index. Trong khi đó, đà tăng tập trung vào nhóm vốn hóa lớn giúp DCVFM VN30 ETF đạt hiệu suất gần 12%, ấn tượng nhất trong nhóm. Các quỹ thành viên khác như CTBC Vietnam Equity Fund, DCDS, DCVFM VNDiamond ETF hay DCVFM VNMidcap ETF lại có hiệu suất thấp hơn các chỉ số chính như VN-Index và VN30-Index.
Đánh giá về TTCK năm nay, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Dragon Capital cho rằng, 2023 là năm thách thức nhưng cũng có rất nhiều cơ hội bởi ai cũng sợ đầu tư vào chứng khoán và đặt mức đề phòng rủi ro rất cao. Do đó, các nhà đầu tư có thể kiếm được tiền nếu biết phân tích thị trường và có đủ tự tin để đầu tư.
“Nửa cuối năm, thị trường sẽ có xu hướng tích cực hơn khi những khó khăn dần được gỡ bỏ. Những ngành nghề bị ảnh hưởng trước đó sẽ có khả năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới” – Chuyên gia Dragon Capital nhận định.