banner chinh

Đâu là tiềm năng, thách thức, cơ hội của nền kinh tế số tại Việt Nam


Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế.

Tổng quan về kinh tế số

Hiểu một cách đơn giản, thì kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Theo Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...). Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet. Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần: Kinh tế số ICT(1) viễn thông (Kinh tế số ICT); Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet); và Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành), trong đó: Kinh tế số ICT/viễn thông là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, gồm các hoạt động như: sản xuất phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ viễn thông; Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số internet) gồm các hoạt động kinh tế dựa trên mạng internet như: kinh doanh bằng nền tảng số (như Uber, Grab, Airbnb…), kinh doanh dựa trên dữ liệu số, kinh doanh các dịch vụ số trực tuyến, và các hình thức kinh doanh dựa trên mạng Internet khác; Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành) là các hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, tăng thêm, gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh…

Tóm lại, kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng ICT, tức là viễn thông và công nghệ thông tin, để tăng năng suất lao động, và để tối ưu nền kinh tế. Nếu nói đơn giản thì là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.

Như vậy, mặc dù có nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau khi đề cập đến kinh tế số, nhưng phần lớn các quốc gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên internet.

Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức uy tín quốc tế, kinh tế số là một trong những động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn tới. Kinh tế số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là động lực cho tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, xuất phát từ việc sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên. Bên cạnh đó, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho tất cả các chủ thể, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển. Cùng với đó, quá trình chuyển giao công nghệ số diễn ra nhanh chóng, không giới hạn đã góp phần làm giảm khoảng cách giữa các khu vực, giữa nông thôn với thành thị. Công nghệ số, với cách tiếp cận mới trong hoạt động kinh tế, đã cho phép nền kinh tế giải quyết hiệu quả những vấn đề nan giải trong phát triển kinh tế tài nguyên như ô nhiễm môi trường, phân hoá giàu nghèo, cạn kiệt nguồn lực,... Như vậy, có thể nói, kinh tế số đã và sẽ là mô hình kinh tế của tương lai.

t.jpg

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số Việt Nam trong báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019”

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam - tiềm năng rộng lớn

Theo thống kê sơ bộ, nền kinh tế số hiện có trị giá khoảng hơn 3.000 tỷ USD và sử dụng xấp xỉ 10% năng lượng điện của toàn thế giới. Mỹ là nơi khởi nguồn cho sự bùng nổ của công nghệ tin học với nhiều công ty nổi tiếng như: Google, Amazon, Facebook, Apple… đã xác định được tầm quan trọng của kinh tế số. Theo báo cáo của Google và Temasek, vào năm 2018, quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt giá trị 72 tỷ USD; Việt Nam xếp vị trí thứ 6 sau Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Đến năm 2025, dự báo quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á tăng lên 240 tỷ USD và Việt Nam chiếm khoảng 18% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Đến nay, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh; việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á (trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015). Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực ASEAN. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019 so với tổng giá trị 350 triệu USD năm 2018 và 140 triệu USD của năm 2017.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Theo đó,đặt mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20% .

Những khó khăn, thách thức

Hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số. Quy định pháp luật cho các hoạt động kinh tế số chưa được hình thành đồng bộ, chậm được hoàn thiện, đặc biệt đối với mảng kinh tế số Internet/nền tảng; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành nhiều nhưng thiếu đồng bộ, còn chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Còn thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số; thiếu quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân còn chậm được ban hành.

Việc thực thi quản lý nhà nước, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn bất cập. Chúng ta có nhiều Bộ có chức năng nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, nhưng thiếu 1 cơ quan có trách nhiệm chủ trì, giúp Chính phủ thực thi quản lý nhà nước và điều phối, thúc đẩy phát triển lĩnh vực mới nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức này. Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan trên thực tế đang thực thi quản lý nhà nước về kinh tế số cũng chưa có 1 đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm về lĩnh vực này. Chúng ta cũng thiếu các công cụ pháp lý và hệ thống công nghệ có khả năng giám sát, quản lý hiệu quả hoạt động các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới trên không gian mạng để chống độc quyền, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh tế số Việt. Kinh tế số đang làm thay đổi lợi thế so sánh của nước ta về nhân công giá rẻ, tạo ra nhiều nghề mới đòi hỏi kỹ năng mới, đồng thời làm giảm một số nghề theo lối “truyền thống” dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu việc làm. Tuy nhiên việc xây dựng, thực thi các cơ chế, chính sách để khuyến khích các lợi điểm của kinh tế số, và giảm thiểu các yếu tố tác động tiêu cực của lĩnh vực này còn lúng túng, bất cập.

Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số còn ít, chất lượng chưa cao. Các doanh nghiệp vẫn thiếu hụt lực lượng lao động công nghệ đủ kiến thức và kỹ năng để áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động đang đòi hỏi có sự thay đổi về chất lượng giáo dục, đào tạo để thích ứng với yêu cầu mới, trong khi đào tạo đại học cũng như đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Kỹ năng số cơ bản của lực lượng lao động còn thấp, khả năng thích ứng với môi trường số chưa cao, trong khi chuyển đổi số đang làm giảm mạnh nhu cầu một số công việc tuyền thống và xuất hiện các yêu cầu mới đòi hỏi kỹ năng số cơ bản. Các cơ sở giáo dục vẫn chưa được triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM để trang bị cho học sinh hành trang số, kỹ năng số thiết yếu sẵn sàng cho tương lai. Phần lớn người dân vẫn chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng số cơ bản để có thể khai thác hiệu quả các kho tri thức số trên mạng và áp dụng công nghệ số vào hoạt động của mình. Nếu không có sự đột phá trong việc đào tạo, đào tạo lại kỹ năng số cho lực lượng lao động công nghệ cũng như đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để theo kịp tốc độ chuyển đổi số thì nước ta có thể phải đối mặt với khoảng trống làm gián đoạn chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số Make in Vietnam còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Trừ các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực bắt buộc phải chuyển đổi số như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông, phần lớn các doanh nghiệp vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm chứ chưa thực sự  triển khai chuyển đổi số. Năng lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp còn khá hạn chế. Chuyển đổi số giúp tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra thuận lợi hơn, tuy nhiên mức độ hưởng lợi còn tuỳ thuộc vào khả năng chuyển đổi và nội lực số của doanh nghiệp. Nếu nội lực số không đạt, doanh nghiệp sẽ bị tác động nhiều hơn từ bất ổn kinh tế thế giới, dẫn đến sẽ phải chấp nhận vị trí thấp trong toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp nền tảng số Việt Nam dù rất nỗ lực nhưng đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nền tảng số nước ngoài, nhất là các nền tảng số hoạt động xuyên biên giới, thậm chí còn đối mặt tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng ngay trên sân nhà. Do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, hiện chúng ta thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng. Chúng ta cũng thiếu các công cụ pháp lý để hạn chế các hình thức mua bán, sát nhập độc hại, có thể gây tác động xấu đến thị trường. Bên cạnh đó, thị trường cho kinh tế số cũng chưa phát triển đúng hướng. Việc tạo và dành thị trường số nội địa, nhất là thị trường số Chính phủ để doanh nghiệp Việt có cơ hội rèn luyện, lớn mạnh để đi ra toàn cầu chưa được triển khai hiệu quả.

Đặc biệt, Việt Nam chưa có chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số. Mặc dù Việt Nam đã có các nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số, nhưng Việt Nam vẫn chưa có chiến lược hay chương trình, kế hoạch quốc gia nào về phát triển kinh tế số, xã hội số được ban hành để xác định cụ thể, rõ ràng quan điểm, tầm nhìn cũng như định hướng nhiệm vụ, giải pháp, phát triển, làm căn cứ để các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai.

k.jpg

Cơ hội nào cho nền kinh tế số ở Việt Nam - Một số giải pháp

Phát triển kinh tế số giúp sẽ góp phần giúp Việt Nam có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển so với thế giới, tuy nhiên để tận dụng tốt cơ hội này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và của mỗi người dân. Một số vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam, gồm:

Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là các giải pháp đào tạo kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số doanh nghiệp; và phát triển thị trường số nội địa.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba, tăng cường phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với các yêu cầu đặt ra của nền kinh tế số. Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đào tạo lại kỹ năng số cho lực lượng lao động công nghệ cũng như đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân nhằm thích ứng với xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

BÌNH LUẬN