HSBC: Lạm phát ít khả năng là mối bận tâm lớn của NHNN trong 2022, thị trường bất động sản có thể thu hút nhiều sự quan tâm hơn
HSBC dự báo Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6,5% trong năm 2022, mặc dù sự lây lan của biến chủng Omicron đặt ra nhiều rủi ro cho cả Việt Nam lẫn thế giới.
HSBC vừa có báo cáo "Vietnam at a glance: Kết thúc có hậu cho một năm khó khăn", trong đó nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam đang phục hồi sau khi mở cửa trở lại, tăng 5,2% trong quý thứ tư so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức kỳ vọng của thị trường. Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6,5% trong năm 2022, mặc dù sự lây lan của biến chủng Omicron đặt ra nhiều rủi ro cho cả Việt Nam lẫn thế giới.
Cuối năm 2021, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng Quý 4 đạt 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa các mức dự báo của thị trường. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất nhanh chóng khởi sắc trong khi xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu nhờ nhu cầu sản phẩm công nghệ và máy móc trên thế giới tăng mạnh. Trong khi đó, ngành dịch vụ cũng bắt đầu phục hồi mặc dù không đồng đều trong các lĩnh vực. Trong khi các ngành dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế, các ngành liên quan đến du lịch vẫn khá ảm đạm.
Kết quả Quý 4 vững vàng giúp tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam đạt 2,6%. Đây là mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ qua: xét cho cùng, 2021 là một năm đầy thách thức của Việt Nam, với bốn tháng giãn cách nghiêm ngặt ở trung tâm thương mại của cả nước. Khi các điều kiện cơ bản cải thiện, HSBC kỳ vọng Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trong năm 2022, viết nên một câu chuyện tăng trưởng toàn diện tươi đẹp.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ tăng lên mức 6,5%", báo cáo của HSBC cho biết.
Mặc dù vậy, đại dịch vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Sau khi chạm "đáy" trong tháng 11, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Việt Nam đã tăng cao trở lại. Kết quả của "trận chiến" ứng phó với đợt bùng dịch thứ năm của Việt Nam sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động đi lại quốc tế. Tuy nhiên, không giống như năm 2020, Việt Nam tại thời điểm hiện tại đã triển khai tốt chương trình tiêm chủng giúp Chính phủ có thể linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi sinh nền kinh tế.
Khép lại năm 2021, Việt Nam phục hồi vững vàng sau giai đoạn "chạm đáy" tồi tệ nhất, sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt. Một mặt, sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết FDI ổn định. Mặt khác, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi.
Đối với vấn đề lạm phát, trong khi nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại, tác động do áp lực về giá lại diễn ra chậm hơn kỳ vọng khá nhiều. Lạm phát tháng 12 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, chênh lệch so với các mức dự báo (HSBC: 2,1%; Bloomberg: 2,3%; Prior: 2,1%). Kết quả này khiến lạm phát cả năm 2021 đạt mức 1,8%. Trong khi chi phí vận tải leo thang (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước) là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát, giá lương thực giảm một phần do hiệu ứng cơ sở thấp cộng thêm lạm phát do nhu cầu yếu đã cùng làm chậm tốc độ gia tăng lạm phát từ năm 2015 tới nay.
Khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm 2022, HSBC kỳ vọng áp lực về giá sẽ bắt đầu có tác động nhưng mức độ phải trong tầm kiểm soát. Dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 2,7% vào năm 2022, thấp hơn mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Trong bối cảnh lạm phát ít khả năng là một mối bận tâm lớn của NHNN trong năm 2022, tình hình thị trường bất động sản có thể thu hút nhiều sự quan tâm hơn.
Thu Thủy
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN