Cần làm gì để phụ nữ Việt Nam hội nhập và thích ứng với cuộc cách mạng 4.0
Cách mạng 4.0 diễn ra trên toàn cầu với tốc độ rất nhanh. Các vấn đề có tác động mạnh mẽ đang nghiêm túc đặt ra. Quá trình thay đổi kỹ thuật và năng lực tiếp cận của người lao động, tiêu chí cần nhấn mạnh và đề cao trong quan hệ giao thương, cơ chế quản lý, mô thức tổ chức và điều hành, đào tạo nhân lực, cách kiến tạo xã hội bình an trong sự sôi động của đời sống kinh tế và văn hóa… Trong bối cảnh đó, có nhiều thực tế mới cần được chú ý.
Sớm xây dựng nhận thức đúng về vai trò của phụ nữ
Nhiều người cổ vũ mạnh mẽ cho chủ trương nam nữ bình đẳng nhưng khi thực hiện, trong phạm vi giới hạn cụ thể, chủ trương này có lúc, có nơi được hiểu còn thô sơ. Một bộ phận đàn ông vô tâm là lỗi của họ nhưng nếu phụ nữ (nhất là tổ chức của phụ nữ) cam lòng chấp nhận, xem ra chưa hẳn vô can. Tuy không nhiều nhưng một số nam nhi sống khác thường. Khi còn nhỏ, họ được gia đình cha mẹ chăm sóc và từ khi lập gia đình, họ coi vợ là người thay cha mẹ chăm sóc mình. Họ đi làm để có đi làm chứ không chí tiến thủ, vô tư sử dụng toàn bộ thu nhập vào nhu cầu chi tiêu cá nhân mà chẳng bận tâm tới bao nỗi lo toan của vợ.
Có người thẳng thắn nói họ không trăng hoa hay ham mê ăn nhậu, không đối xử thô bạo với vợ và thế là đạt chuẩn mực của bình đẳng. Họ nói không sai nhưng không đúng bởi trách nhiệm đóng góp kinh phí tổ chức cuộc sống gia đình không được đề cao. Khi không chịu đựng được nữa các cô vợ mới tìm đến Chuyên gia tư vấn tâm lý nhưng tới đó khả năng điều chỉnh nhận thức của chồng đã quá khó. Cá biệt, có người buộc vợ để mình đứng tên mọi tài sản, có vậy họ mới đúng là chủ nhân thực sự của gia đình. Tài sản bà con họ hàng bên vợ cho cũng là của chồng. Nhiều năm liền vợ không dám bộc bạch vì nói ra xấu chàng hổ ai, họ im lặng. Những người chồng này không xứng đáng là thành viên của thế giới đàn ông năng động và đầy ý chí, giàu đức nghiệp và sống rất trách nhiệm. Thực tiễn của công tác tư vấn tâm lý cho thấy không ít trường hợp chồng không đổi phép ứng xử vì vợ ít hiểu, ít thông cảm, ít chịu chia sẻ. Nói khác hơn, quá trình xây dựng nhận thức về phụ nữ phải cùng đến từ hai phía. Sẽ phiến diện nếu ai đó nói quá trình này chỉ nên bắt đầu và tiến hành chủ yếu trong xã hội nam nhi.
Yêu cầu riêng của đào tạo nhân lực nữ
Thời sức mạnh chủ yếu là sức vóc đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Nay xã hội thường gọi phụ nữ là phái đẹp, ít ai gọi là phái yếu bởi trí tuệ mới là sức mạnh lớn nhất. Không ít người chẳng may cơ thể khiếm khuyết nhưng họ vẫn tràn trề sức sống, vẫn gắng làm điều tốt đẹp cho xã hội. Bài học sinh động từ cuộc đời những người phi thường này là luôn tìm sức mạnh trong trí tuệ của mình. Muốn quy nạp và sở hữu trí tuệ, ai cũng phải cần mẫn học hỏi bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu không cần mẫn, không khổ công học hỏi, đừng hy vọng nâng cao trình độ bản thân. Nay ai cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đào tạo nhân lực nhưng số người nắm vững đặc trưng đào tạo nhân lực nữ chưa nhiều. Thực tế chưa ổn đã hạn chế cống hiến của xã hội lao động vào sự nghiệp phát triển toàn diện và bền vững. Quá trình này cần lưu ý mấy vấn đề lớn sau đây:
Ở tuổi vị thành niên, nữ phải học nhiều hơn nam vì ngoài kiến thức tiếp nhận tại trường lớp, các bé gái con những gia đình đàng hoàng còn học thêm hàng loạt kỹ năng về chăm sóc bản thân, về nghệ thuật tổ chức cuộc sống gia đình hiện đại và về phép giao tiếp xã hội. Hệ thống bài giảng dành cho đối tượng này là một phần của quá trình đào tạo nhân lực. Nói khác hơn cần hiểu và thực hiện quá trình đào tạo nguồn nhân lực bắt đầu từ gia giáo. Thế hệ tương lai phải được huấn luyện từ bé. Xưa nay, hướng dẫn đường vào đời cho công dân nữ gồm nhiều nội dung hơn công dân nam. Tách giáo dục gia đình khỏi đào tạo nhân lực sẽ khó đạt hiệu quả cao. Ta là ta, không phải bản sao của bất cứ dân tộc nào, nhưng quan sát cách đào tạo nhân lực phổ biến của các nước tiên tiến sẽ giúp ta tìm được yếu tố phù hợp để ứng dụng.
Khi trưởng thành, xu hướng phổ biến của nữ nhi là ứng xử nhẹ nhàng, dịu dàng, kiên nhẫn và đó là phẩm chất tự nhiên, đó cũng là đạo đức. Chính nhờ phẩm chất đạo đức tốt đẹp ấy, đời sống văn hóa cộng đồng mới được đề cao và đáng yêu. Nhiều năm qua, các nhà chiến lược đào tạo đã thấy đặc trưng này nhưng cần tìm thêm giải pháp hiệu quả. Bình đẳng giới không đối nghịch với phân biệt những phần việc nên để nam làm và phần việc nên để nữ làm.
Phụ nữ trưởng thành đều giữ vai trò rất lớn trong tổ chức cuộc sống gia đình nhưng sẽ rất thiếu công bằng nếu nói thiên chức làm vợ và làm mẹ chỉ giới hạn trong phạm vi chật hẹp một tổ ấm. Tổ ấm an vui, họ tộc và cả xã hội cũng an vui. Các cháu được nuôi dưỡng và dạy dỗ tử tế sẽ là chủ nhân tốt đẹp tương lai của đất nước. Khi đào tạo nhân lực không nên và cũng không thể lấy tiêu chí của nam áp dụng cho nữ. Ai đó đã nói rằng, nếu vì một lý do rất đặc biệt nào đó, tất cả phụ nữ bỗng ngừng thực hiện thiên chức sinh đẻ, thực tế tuy diễn ra chậm chạp nhưng tác hại sẽ nhiều lần khủng khiếp hơn các cuộc chiến tranh thế giới cộng lại, vì thế xin chừa một khoảng phù hợp để phụ nữ thực hiện thiên chức của mình. Nghĩ kỹ sẽ thấy, nếu dành hết thời gian và công sức, tình cảm và trí tuệ, tài sản và đức hy sinh cho con, phụ nữ chẳng làm gì hoàn toàn cho riêng mình. Mỗi cá nhân họ đều góp phần tạo ra nhân cách và phẩm giá làm người cho nhân loại. Cách mạng 4.0 là sản phẩm tuyệt vời của trí tuệ hiện đại nhưng kho trí tuệ sắc sảo bao nhiêu cũng đều xuất phát từ con người và con người là món quà thiêng liêng do phụ nữ ban tặng
Sử dụng và huy động mạnh mẽ nhân lực nữ
Có thực tế âm thầm nhưng khá nặng nề là không ít người lo việc tuyển dụng, ngoại trừ vị trí làm việc tại văn phòng, họ ngại tuyển dụng lao động nữ. Họ có lý do cần được lưu ý nhưng ngại tuyển lao động nữ là không nên. Tham khảo hệ thống tài liệu và trực tiếp lắng nghe tâm tư của khách tư vấn tâm lý, chúng tôi thấy có mấy điều đáng chú ý.
Trong giai đoạn trước, việc tuyển dụng hơi khắt khe với phụ nữ tuy không ổn nhưng dẫu sao vẫn còn có chỗ cảm thông. Nay, trong cuộc vận hành mạnh mẽ của cách mạng 4.0, thực tế này khó ai ủng hộ. Nhiều công trình của các học giả nước ngoài rất giàu sức thuyết phục về vấn đề này. Nội hàm các lĩnh vực trên cho thấy phụ nữ có thể tham gia tự nhiên vào quá trình điều hành thực hiện và bổ sung tư duy lý luận. Khi đạt thành quả cao, lực lượng lao động là con người sẽ thay thế bằng robot. Theo Manfred Wittensteiner đấy là thời của nhà máy thông minh. Nhưng hiện tại ở Việt Nam, lực lượng lao động chủ yếu vẫn là con người (những con người có trí tuệ để thao tác và điều khiển hoạt động nhằm chuẩn bị cho bước tiến tới đỉnh cao đáng tự hào đó). Tuyển dụng đã khó, phát huy năng lực của người lao động còn khó hơn. Sẽ thất bại nếu dùng mệnh lệnh hoặc áp đặt vì cách này dễ gây nên các phản ứng trái chiều. Muốn phát huy năng lực lao động nữ, trước hết phải hiểu đặc trưng phụ nữ nói chung và phong cách từng lao động nữ nói riêng. Hiểu biết sẽ tạo ra quan hệ giao tiếp thân thiện, quan hệ giao tiếp thân thiện sẽ tạo ra năng lực sáng tạo. Đó là lập luận khoa học của Giáo sư Klaus Martin Schwab khi ông phân tích về khái niệm công nghiệp 4.0 và lý giải đường thành công của quá trình thực hiện khái niệm này.
Phát huy năng lực lao động nhưng đừng quên việc tạo cơ hội thuận lợi cho phụ nữ thực hiện thiên chức của mình. Họ cần làm đẹp, đẹp từ dung nhan bề ngoài đến phẩm chất bên trong. Họ cần thể hiện vị thế của người làm dâu và làm vợ. Họ cần được chăm sóc chu đáo cho con. Họ cần một tổ ấm cân bằng giữa vật chất với tinh thần… Muốn được vậy, phụ nữ phải được học về quản lý thời gian nhưng về chủ trương, bất cứ thể chế văn minh nào cũng cần dành cho phụ nữ một thời lượng phù hợp. Thiếu điều kiện để phụ nữ có thể thực hiện thiên chức cao quý, xã hội dù giàu có đến đâu cũng sẽ trở nên thô ráp và chất thi vị của cuộc sống cũng khó vĩnh tồn.
Vấn đề quan trọng là gấp rút xây dựng cơ chế quản lý và điều hành. Thành bại của cách mạng 4.0 phụ thuộc vào quá trình này. Lãnh đạo là một khoa học đồng thời cũng là một loại hình nghệ thuật, tuy có liên quan nhưng không phải lúc nào cũng đều lệ thuộc vào học hàm, học vị.
Chính sách cần có và nên có với nhân lực nữ
Xin tái khẳng định, không nên gọi phụ nữ là phái yếu bởi sức mạnh phụ thuộc năng lực tư duy và sáng tạo của trí não. Chưa hiểu đúng, chưa đánh giá đúng có nghĩa đã xa lạ với hơn một nửa xã hội. Từ hiểu đúng, đánh giá đúng đến sử dụng và phát huy năng lực của phụ nữ là quá trình khó khăn. Muốn trở thành lực lượng lao động hiện đại có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, việc đào tạo phải được đề cao. Nay ở đâu cũng đều có điện thoại thông minh, xe thông minh, nhà thông minh, thành phố thông minh… Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật như vậy, mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng có thể điều hành công việc ở mọi nơi đâu nhất thiết có mặt mỗi ngày tám giờ ở văn phòng. Trong mọi chương trình đào tạo, có lẽ nên dành thời gian thỏa đáng cho quá trình tiếp cận, sử dụng và nâng cao hiệu quả của các phương tiện này.
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN